Công an tỉnh Bắc Giang vừa điều tra, làm rõ 2 đối tượng gồm: Vi Văn Cường (SN 1995, trú tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) và Vy Văn Doóng (SN 1979, trú tại xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn) có dấu hiệu tội phạm "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".
Trước đó, vào cuối năm 2022, Vi Văn Cường (SN 1995, trú tại thôn Chão, xã Giáp Sơn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) lấy danh nghĩa đi du lịch để sang, ở lại Thái Lan lao động trái phép. Công việc của Cường là gọi điện, kết bạn làm quen, tư vấn cho khách hàng là người Việt Nam tham gia mua hàng tại các trang mua bán Shopee, đánh giá các món ăn. Ngoài ra, Cường còn bị giao thêm nhiệm vụ mỗi tháng phải rủ rê, lôi kéo 2 người Việt Nam sang đây lao động, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt.
2 đối tượng Vi Văn Cường (trái) và bị can Vy Văn Doóng (phải).
Lúc này, Cường đã liên hệ với Vy Văn Doóng (SN 1979, trú tại thôn Việt Ngoài, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn) và nói dối Doóng là ở Thái Lan công việc rất đơn giản, chỉ ngồi trong phòng làm việc trên máy tính, tìm kiếm và tư vấn cho khách mua hàng tại trang mua bán Shopee, chăm sóc khách hàng mà lương lại cao (từ 20 - 30 triệu đồng/tháng).
Chi phí sang Thái Lan Cường sẽ lo hết đồng thời bảo Doóng tìm thêm người đưa sang Thái Lan làm công việc như trên. Mỗi người sang đến nơi, Cường sẽ trả công cho Doóng từ 400 - 500 USD. Doóng đồng ý và tìm được 7 người đưa sang Thái Lan.
Tại Thái Lan, chủ lao động đã ép người lao động phải ký kết hợp đồng thời hạn 1 năm với những quy định bất lợi; để đề phòng lao động bỏ trốn, chúng giữ toàn bộ giấy tờ tuỳ thân, không cho ra ngoài. Về công việc, không hề có chuyện “việc nhẹ, lương cao” mà mỗi lao động phải làm ít nhất 12 tiếng mỗi ngày; bị ép sử dụng thiết bị của công ty để nói chuyện điện thoại với từ 600 – 800 người Việt Nam ở trong nước nhằm lôi kéo, rủ rê họ sang Thái Lan làm việc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
XEM THÊM: Mâu thuẫn trong bữa cơm trưa, dùng dao sát hại anh họ
Nếu không hoàn thành chỉ tiêu chúng sẽ không trả lương, bị nhốt vào phòng kín, đánh đập, không cho ăn uống thậm chí chích điện. Không thể chịu được áp lực công việc, các lao động đòi trở về Việt Nam thì chúng đưa ra lý do làm việc chưa đủ thời gian ghi trong hợp đồng nên muốn về phải nộp phạt vi phạm hợp đồng với số tiền từ 100 triệu 200 triệu đồng/người.
Thành Lâm