Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự nghiệp lẫy lừng và hôn nhân viên mãn với “Đường Tăng” của nữ tỷ phú quyền lực bậc nhất Trung Quốc

(DS&PL) -

Trước khi đứng trên đỉnh cao của tiền tài và danh vọng, nữ tỷ phú bất động sản người Trung Quốc Trần Lệ Hoa đã trải qua một cuộc đời nghèo khó, truân chuyên.

Trước khi đứng trên đỉnh cao của tiền tài và danh vọng, nữ tỷ phú bất động sản người Trung Quốc Trần Lệ Hoa đã trải qua một cuộc đời nghèo khó, truân chuyên ít ai tưởng tượng nổi.

Niềm tự hào của người dân Trung Quốc

Nữ tỷ phú bất động sản người Trung Quốc Trần Lệ Hoa. Ảnh: Sina

Nếu xét về tính đại chúng, bà Trần Lệ Hoa chỉ được biết đến như một người vợ giàu có của nam diễn viên Trì Trọng Thụy - người thủ vai Đường Tăng trong bộ phim kinh điển Trung Quốc Tây Du Ký (1986).

Nhưng đối với những giới thương gia, chính trị thì bà Trần Lệ Hoa lại là một nhân vật có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn lan ra cả thế giới với khối tài sản to lớn.

Không những thế, sự nghiệp của bà còn gắn liền với tình yêu to lớn dành cho di sản truyền thống, là người có công bảo tồn văn hóa nghệ thuật Trung Quốc, đưa chúng ra thế giới và được mọi người công nhận.

Ở tuổi 77, bà Trần Lệ Hoa vẫn được vinh danh là một trong những ngươi phụ nữ quyền lực nhất Trung Quốc và là nữ doanh nhân thành đạt nhất, tự tay lèo lái sản nghiệp trị giá 5,8 tỷ USD, là niềm tự hào của cả người dân Trung Quốc.

Tự tìm hướng đi cho mình trong cảnh khó khăn, loạn lạc

 Nữ tỷ phú Trần Lệ Hoa là niềm tự hào của người dân Trung Quốc. Ảnh: PDA

Bà Trần Lệ Hoa, sinh năm 1941, trong một gia đình danh giá thuộc hậu duệ của triều đại Mãn Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào những năm 40 của thế kỷ 20.

Mặc dù là cành vàng lá ngọc trong gia tộc Mãn Thanh, nhưng khi vừa sinh ra Trần Lệ Hoa đã phải sống trong giai đoạn loạn lạc, tận mắt chứng kiến triều đại Mãn Thanh sụp đổ.

Gia đình của Trần Lệ Hoa vốn uy nghi tráng lệ, trong phút chốc bỗng tan biến, cả nhà bị đầy vào cảnh nghèo khó cùng cực, mất hết tiền tài và quyền lực.

Những năm đầu đời của Trần Lệ Hoa bắt đầu bằng cuộc sống không nơi nương tựa, khó khăn và vất vả. Sau này, khi CNN thực hiện cuộc phỏng vấn với Trần Lệ Hoa, bà không nhắc nhiều về tuổi thơ của mình, bà chỉ nói đó là khoảng thời gian không hạnh phúc.

Được biết, đến năm 15 - 16 tuổi, Trần Lệ Hoa không thể tiếp tục đi học mà phải đi làm công nhân trong xưởng gỗ để phụ giúp gia đình qua cơn đói khát.

Cuộc sống thời niên thiếu của Trần Lệ Hoa không phải là con đường màu hồng. Ngày ngày bà phải thức khuya dậy sớm, làm công ăn lương với hy vọng sẽ sống qua ngày chứ chẳng mong có được thành tựu gì.

Sau một thời gian làm công nhân, Trần Lệ Hoa đã tích lũy được một số kinh nghiệm về đồ gỗ. Bà nhanh chóng tự mở một cửa hàng buôn bán và sửa chữa đồ nội thất của riêng mình tại Bắc Kinh khi mới chớm 20 tuổi. Hai thập kỷ sau đó, nhận thấy thị trường đồ gỗ cổ ở Hong Kong - lúc đó là thuộc địa của Anh, đang phát triển mạnh, Trần Lệ Hoa đã chuyển tới Hong Kong để theo đuổi giấc mơ phục chế đồ nội thất cổ của mình. "Khi tôi trưởng thành, tôi cảm thấy cần phải bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của người Trung Hoa" - bà Lệ Hoa nói với CNN.

Năm 1980, ngay khi chuyển tới Hong Kong, bà đã mở một nhà máy chuyên sản xuất đồ nội thất và bắt đầu tạo ra những thiết kế mô phỏng lại những đồ cổ bà đã từng được thấy trong các cung điện ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó, bà vẫn duy trì hoạt động kinh doanh các đồ nội thất hiện đại để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Sự nghiệp kinh doanh của bà nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu. Tới cuối thập niên 80, bà đã mua được 12 căn biệt thự và trở thành một hiện tượng đình đám ở đất Hong Kong lúc bấy giờ.

Bà Trần Lệ Hoa luôn dành tình yêu lớn dành cho di sản truyền thống. Ảnh: Redsandalwood

Cũng trong thời gian này, nhận thấy tiềm năng của ngành bất động sản tại quê nhà, Trần Lệ Hoa bán hết tài sản tại Hong Kong và trở lại Bắc Kinh để tìm hiểu thị trường nhà đất. Năm 1998, bà thành lập Tập đoàn Quốc tế Fu Wah - một tập đoàn kinh doanh đa ngành. Thời gian đầu, Fu Wah chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng. Tập đoàn nhanh chóng phát triển và giành được quyền xây dựng nhiều dự án trọng điểm của thành phố như phố kinh doanh Kim Bảo, Trung tâm Thương mại Thế giới, Đài phun nước Bắc Kinh và Kênh đào Bắc Kinh.

Từ những thành công đó, Fu Wah mở rộng mạng lưới kinh doanh sang lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Hiện nay, Fu Wah đang là đơn vị làm chủ nhiều bất động sản lớn tại các tỉnh thành như Chang An Club, tổ hợp căn hộ cao cấp Lee Garden hay tổ hợp nhà phố thương mại khu Vương Phủ Tỉnh... Nhờ những thành công trong lĩnh vực bất động sản, Trần Lệ Hoa đã vươn lên trở thành một trong ba tỷ phú bất động sản giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng lên tới 5,8 tỷ USD, theo định giá của Forbes năm 2018, được mệnh danh là “nữ vương” trong giới bất động sản Bắc Kinh.

Chia sẻ với báo chí Trung Quốc về bí quyết thành công, Trần Lệ Hoa cho biết trước khi làm bất cứ điều gì, bà luôn xem xét tới lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân và lợi ích của đối tác. Trong kinh doanh, trung thực và uy tín chính là hai yếu tố quan trọng nhất với bà.

Tình yêu lớn dành cho di sản truyền thống

Không chỉ thành công trong lĩnh vực bất động sản, Trần Lệ Hoa còn đạt được nhiều thành tựu trong việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Một năm ngay sau khi thành lập Tập đoàn Fu Wah, bà mạnh tay đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (660 tỷ đồng) để xây dựng Bảo tàng gỗ đàn hương đỏ Trung Quốc - nơi gìn giữ và bảo tồn đồ gỗ cổ đầu tiên và lớn nhất thế giới.

Trải dài trên diện tích 25.000 m2, bảo tàng của bà lưu giữ hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật được chế tạo và điêu khắc từ gỗ đàn hương đỏ như mô hình Tử Cấm Thành, tháp Feiyun, chùa Long Tuyền... Nhiều người ví von rằng gỗ đàn hương đỏ là mối tình đầu của bà. Nó gắn bó với bà từ thuở còn sống trong “nhung lụa” và rồi ở lại tâm trí bà mãi mãi, kể cả lúc khốn khó hay khi đã đứng trên đỉnh cao danh vọng.

“Gỗ đàn hương là một phần quan trọng trong nền văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi không thể đánh mất nó. Bản thân nó cũng đã là một điều kỳ diệu rồi", Trần Lệ Hoa cho biết. Toàn bộ sản phẩm trong bảo tàng đều là sở hữu riêng của Trần Lệ Hoa, từ các tòa nhà cho tới hàng nghìn mẫu vật quý giá bên trong. Bà đã từng khẳng định bảo tàng này tiêu tốn tiền của nhiều hơn bất cứ dự án bất động sản nào mà Fu Wah từng đầu tư nhưng bà không hối tiếc vì đã xây dựng nó. Đặc biệt, Trần Lệ Hoa chưa bao giờ bán bất cứ món đồ nào trong bảo tàng kể cả khi được ngã giá rất cao.

 Bà Lệ Hoa cho biết dù chưa bao giờ trông đợi bảo tàng mang lại lợi nhuận cho mình, nhưng bà không bao giờ nghi ngờ về giá trị lịch sử và văn hóa khổng lồ của nó. “Mỗi bộ sưu tập trong bảo tàng đều là kho báu và chúng ta không thể từ bỏ kho báu của đất nước mình. Kế thừa và mang văn hóa truyền thống Trung Quốc ra thế giới là trách nhiệm của các thế hệ. Bổn phận của thế hệ này là phải lưu giữ những di sản truyển thống để thế hệ sau hiểu được rằng văn hóa Trung Quốc nổi bật như thế nào”, bà nói.

Cuộc hôn nhân viên mãn với “Đường Tăng” kém 11 tuổi

Hôn nhân viên mãn với “Đường Tăng” của nữ tỷ phú quyền lực bậc nhất Trung Quốc. Ảnh: Cfp

Cuối những năm 1980, Trần Lệ Hoa trở về Trung Quốc đại lục để mở rộng mô hình kinh doanh. Đây cũng là thời điểm bà gặp gỡ và kết hôn với người chồng kém 11 tuổi, diễn viên Trì Trọng Thụy - vốn nổi tiếng với vai diễn Đường Tăng trong bộ phim “Tây Du Ký” sản xuất năm 1986.

Theo Sina, Trọng Thụy xuất thân từ gia đình có truyền thống biểu diễn kinh kịch trong khi Lệ Hoa là người rất yêu thích môn nghệ thuật này. Sau lần gặp gỡ đầu tiên năm 1988, cả hai để lại ấn tượng tốt đẹp về nhau. Ban đầu, Trần Lệ Hoa chỉ nghĩ “người đàn ông này thành thật, đáng để kết bạn” và không có bất cứ ý định nào khác. Một người bạn trong Viện kinh kịch thấy đôi bạn đều độc thân bèn làm mối hai người thì Trần Lệ Hoa vừa nghe đã xua tay: “Không được, không được, người ta nhỏ hơn tôi cả chục tuổi”.

Tuy nhiên, người bạn này không từ bỏ ý định, kiên trì tác hợp cho hai người và họ đã thực sự thành đôi năm 1990. Cuộc hôn nhân của Trì Trọng Thụy và Trần Lệ Hoa là đề tài bàn tán xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ. Rất nhiều người cho rằng cuộc hôn nhân này mang nặng yếu tố tiền bạc bởi Trọng Thụy lúc bấy giờ là cái tên được nhà nhà biết đến, còn Lệ Hoa được mệnh danh là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, từng kết hôn và có 3 con riêng. Đứng trước búa rìu của dư luận, cả hai vẫn nắm tay nhau sống hạnh phúc và tin rằng thời gian sẽ là câu trả lời cho tất cả.

Sau khi kết hôn với Trần Lệ Hoa, Trì Trọng Thủy từ bỏ sự nghiệp diễn xuất. Hai vợ chồng cùng nhau nghiên cứu và vạch kế hoạch xây dựng Bảo tàng gỗ đàn hương Trung Quốc. Các công việc trong hạng mục này chủ yếu do Trì Trọng Thụy quyết định. Từ khi kết hôn, mọi việc Trì Trọng Thụy đều nghe vợ. Nhưng lần này, Trần Lệ Hoa tín nhiệm để chồng quán xuyến công việc. Công việc khiến Trì Trọng Thụy phấn chấn, năng động hơn.

Hôn nhân Trì Trọng Thụy - Trần Lệ Hoa kéo dài gần 30 năm. Nhân Dân Nhật Báo nhận định, đằng sau cuộc hôn nhân êm ấm đó là sự thông minh của người đàn bà thành công trên thương trường. Bởi Trần Lệ Hoa dường như đã dùng trí tuệ của mình, thậm chí dùng đến những “kế sách” để xây dựng gia đình. Trí tuệ đó cùng tình yêu thương, viết nên câu chuyện khiến nhiều người phải chiêm nghiệm.

Tháng 11/2017, bà Trần Lệ Hoa viết di chúc sớm, để lại phần lớn tài sản cho chồng Trì Trọng Thụy, số còn lại bà để cho con trai là con của chồng trước.

Ở tuổi 77, bà vẫn được xem là nữ cường nhân có sức ảnh hưởng không chỉ đối với nền kinh tế Trung Quốc mà còn là người phụ nữ luôn đặt văn hóa truyền thống lên hàng đầu, luôn khao khát gìn giữ và mong muốn có thể kế thừa, lưu truyền cho thế hệ sau.

Bà được xem là tấm gương sáng cho những ai từng trải qua cuộc sống khốn khổ và luôn muốn phấn đấu để tìm kiếm giá trị cuộc sống đích thực.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật