Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự lớn mạnh của doanh nghiệp chắp cánh Việt Nam hùng cường

  • Hồng Nhung
(DS&PL) -

Theo Chủ tịch TĐ Xây dựng Hòa Bình, trước khi nghĩ về khát vọng hùng cường, từng doanh nghiệp phải làm sao để mình trở thành một thành tố tích cực của nền kinh tế.

Đóng góp cho xã hội trở thành văn hoá của doanh nghiệp

Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL): Là một trong những doanh nghiệp ra đời trong những ngày đầu khi đất nước đổi mới, ông cảm nhận như thế nào về sự phát triển và trưởng thành của doanh nghiệp Việt sau hơn 30 năm?

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình: Nhìn lại tiến trình lịch sử hơn 30 năm qua có thể thấy doanh nghiệp Việt đã có nhiều sự thay đổi. Từ môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi bị cấm đoán, hạn chế sự phát triển thì ngày nay thể chế, chính sách đều đang hướng tới việc kiến tạo cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân thời sơ khai rất ít, phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước chiếm thế thượng phong thì đến nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân trên cả nước đã lên đến hàng trăm nghìn, trải dài trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề, trở thành lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Và sự thay đổi rõ rệt nhất có thể nhìn thấy là từ những doanh nghiệp buôn bán hàng hoá nhỏ lẻ, nay chúng ta đã có những doanh nghiệp lớn với quy mô tỷ USD, vươn tầm quốc tế.

ĐS&PL: Trên thực tế, xin ông cho biết doanh nghiệp Việt đã chứng minh trách nhiệm của mình với đất nước như thế nào?

Ông Lê Viết Hải: Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của mình.

Ngay trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tự thân họ đã có đóng góp ít nhiều cho xã hội. Một doanh nghiệp hoạt động chân chính, tuân thủ pháp luật, đóng góp cho nền kinh tế đã là một sự đóng góp đáng được trân trọng và nêu gương.

Tuy nhiên không dừng ở đó, doanh nghiệp Việt còn thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua các công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Chúng ta có thể nhìn thấy trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp thể hiện rõ ràng nhất trong giai đoạn Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chung tay huy động và đóng góp cùng với Nhà nước hàng triệu tỷ đồng, ủng hộ các trang thiết bị y tế...

Từ một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ tự phát có mong muốn đóng góp cho xã hội thì ngày nay việc đóng góp cho xã hội đã trở thành trào lưu, văn hoá của cả cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược kinh doanh, phát triển bền vững mà các doanh nghiệp xây dựng.

Sự lớn mạnh của doanh nghiệp chắp cánh Việt Nam hùng cường. (Ảnh: Phạm Tùng)

“Thành công không phải kết quả mà là một quá trình”

ĐS&PL: Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu 100 năm xây dựng đất nước hùng cường, cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó vai trò chủ đạo, tiên phong phải là của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp cần xác định tâm thế như thế nào để góp sức vào khát vọng xây dựng đất nước hùng cường?

Ông Lê Viết Hải: Doanh nghiệp Việt cần nghĩ xa, quyết tâm lớn, nỗ lực cao và có tầm nhìn dài rộng. Trước hết bản thân doanh nghiệp phải hiểu “khát vọng hùng cường” là gì. “Khát vọng hùng cường” ở đây là nói tới một đất nước giàu mạnh, việc này thể hiện qua một nền kinh tế mạnh.

Muốn có một nền kinh tế mạnh cần có các ngành kinh tế mạnh, từng doanh nghiệp trong từng ngành phải trở nên mạnh mới xây dựng nên ngành kinh tế mạnh. Khát vọng hùng cường của đất nước suy cho cùng là sự vững mạnh của chính bản thân từng doanh nghiệp cấu thành nên.

Trước khi nghĩ về khát vọng hùng cường, từng doanh nghiệp có quy mô từ nhỏ, vừa tới lớn đều phải nghĩ làm sao để chính mình trở thành một thành tố tích cực của nền kinh tế, không phải gánh nặng của nền kinh tế, không làm xấu đi môi trường kinh doanh, họ phải kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, bền vững, có sự tăng trưởng tốt.

Khi đã tự thân tốt thì doanh nghiệp phải nghĩ tới việc làm gì để đóng góp vào cái chung của đất nước. Khát vọng hùng cường là sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có sự liên kết, hỗ trợ với nhau cùng đi lên.

Chúng ta cần xác định cần có những doanh nghiệp mũi nhọn, chủ lực nhưng bên cạnh đó gây dựng lên những hệ sinh thái. Bản thân doanh nghiệp bất kể phân biệt lớn bé cần phải hiểu chính những nỗ lực của mình đã và đang đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hiện thực hoá khát vọng hùng cường, khát vọng hùng cường nằm ngay trong những quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên hiểu rõ thành công không phải kết quả mà là một quá trình nỗ lực liên tục và không có điểm dừng.

ĐS&PL: Không thể phủ nhận thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển cả về lượng và chất, nhưng phần lớn vẫn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Để nuôi khát vọng hùng cường thì cần nuôi “đại bàng” vì “chim sẻ” khó mà cất cánh bay xa được. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Viết Hải: Muốn khơi dậy khát vọng vươn lên, khát vọng thay đổi và chinh phục những đỉnh cao mới của doanh nghiệp thì rất cần những cánh chim đầu đàn dẫn dắt sự đi lên của cả một cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta có thể nhìn vào những tập đoàn lớn tại Việt Nam với hệ sinh thái phủ kín nhiều lĩnh vực, bên cạnh sự lớn mạnh và phát triển của họ thì các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đó cũng được hưởng lợi.

Theo tôi cần xây dựng những doanh nghiệp đầu đàn lớn mạnh để dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi sản xuất, dần dần sẽ trở thành bước đệm cho doanh nghiệp “chim sẻ” có cơ hội chuyển mình.

Do đó, chúng ta cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tiên phong đi đầu với quy mô lớn, thương hiệu tầm vóc quốc tế để dẫn dắt các doanh nghiệp phía dưới vượt qua các cơn bão trên thị trường.

Bên cạnh đó muốn doanh nghiệp lớn mạnh thì cần có môi trường kinh doanh, cách tiếp cận về cơ chế chính sách, hỗ trợ về nguồn lực... lúc này rất cần tới vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước.

Các doanh nghiệp rất cần sự chủ động đồng hành và vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý, xây dựng nên môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và có tính phát triển bền vững để cho doanh nghiệp có đủ không gian để thoả sức tung cánh bay cao, bay xa.

ĐS&PL: Xin chân thành cảm ơn ông!

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)

Tin nổi bật