Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sử dụng ngân sách công có đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

(DS&PL) -

Trong khi chủ trương của đấu thầu là tiết kiệm ngân sách thì ở một số địa phương và một số đơn vị vẫn tồn tại những gói thầu với dấu hiệu đội giá cao khiến mục tiêu của đấu thầu khó đạt được như mong muốn.

Những con số “biết nói” từ mua sắm công

Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản Nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách Nhà nước. Thế nhưng thời gian qua, ở một số nơi, một số đơn vị, việc đấu thầu mua sắm để lại những băn khoăn với dư luận khi giá trị hàng hóa trong gói thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Điều bất thường nằm ở chỗ, cùng một thiết bị với tên gọi, xuất xứ, yêu cầu kỹ thuật giống hệt nhau, nhưng giá trong gói thầu có thể cao vọt so với mặt bằng chung ngoài thị trường gấp 2-3 và thậm chí là nhiều lần hơn thế.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đánh giá rất quan trọng. Bởi thiệt hại do lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng, tiêu cực.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, ngày 31/10, Quốc hội đã dành 1 ngày làm việc để thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã có phát biểu ấn tượng khi cho rằng: “Một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc chấp hành mọi quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí mà trước tiên phải thuộc về lối sống và ý thức. Đó là lối sống văn minh, văn hóa, là ý thức luôn luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên”.

Trở lại với vấn đề mua sắm tài sản công, nếu xảy ra việc đội giá mua sắm sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động chi ngân sách của địa phương, có đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi nguồn vốn mua sắm thiết bị lấy từ ngân sách huyện?

 

Cụ thể ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến một số gói thầu với các biểu hiện về chênh lệch giá cao so với giá thị trường. Một số đơn vị công hay ban quản lý dự án ở một số địa phương vẫn còn tồn tại những gói thầu như vậy.

Đơn cử, có những bộ bàn ghế (1 bàn + 2 ghế) có đơn giá tại gói thầu là 2.268.000 đồng/bộ, nhưng theo khảo sát của phóng viên, giá bộ sản phẩm là 1.600.000 đồng, chênh lệch 668.000 đồng. Nếu tính trên số lượng mua sắm ở một gói thầu, số tiền chênh lệch có thể tới hàng tỷ đồng (số lượng mua sắm lớn).

Với yêu cầu kỹ thuật như chủ đầu tư đưa ra, phóng viên nhận được báo giá bộ bàn ghế giáo viên là 2.950.000 đồng, còn trong gói thầu, sản phẩm có giá 5.400.000 đồng.

 

Có những bộ máy vi tính làm việc được chủ đầu tư phê duyệt 15.400.000 đồng/cái, thị trường đang bán máy tính đáp ứng đầy đủ yêu cầu có giá chỉ 10.950.000 đồng.

Hoặc cũng có những bàn hội trường, ghế hội trường nếu đem so sánh với giá thị trường thì chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cần nói rõ thêm rằng, các báo giá phóng viên có đã được đơn vị báo giá tính đủ chi phí vận chuyển, lắp đặt số lượng lớn cùng chế độ bảo hành, bảo trì sản phẩm của nhà sản xuất và thuế VAT.

Giá các thiết bị trong gói thầu cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo, vận chuyển, truyền thông, lắp đặt trên địa bàn thụ hưởng...Tuy nhiên, với con số chênh lệch hàng tỷ đồng tiền ngân sách thì rất cần các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ.

Cần rà soát, kiểm tra ngay

Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, GS.TS Đặng Đình Đào, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đưa ý kiến: “Có thực trạng đơn vị trúng thầu do sự quen biết, mối quan hệ lâu năm với chủ đầu tư, đơn vị mời thầu hay không? Tôi nghĩ rằng cần rà soát, kiểm tra lại quá trình thực hiện gói thầu cũng như năng lực đơn vị trúng thầu. Biết đâu qua rà soát lại thấy được điều bất chính về giá cả, chất lượng sản phẩm và nhiều thứ khác nữa.

Thanh tra, kiểm tra để tránh các luồng dư luận không hay là cần thiết. Đơn vị chủ đầu tư, người đứng đầu càng cần phải tính toán với đồng vốn ngân sách được phân bổ, sử dụng đàng hoàng, minh bạch và hiệu quả.

Việc đơn vị chủ đầu tư không kịp thời thông tin cho báo chí càng tăng tính bất thường về công tác đấu thầu tại địa phương, khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi hơn. Nếu không có điều bất thường hay khuất tất, tôi nghĩ thông tin rõ ràng với báo chí không chỉ nâng cao uy tín của chủ đầu tư, của chính quyền địa phương mà còn khiến nhà thầu ngẩng cao đầu khi năng lực chuyên môn, năng lực tài chính của mình được khẳng định lại”.

Từng trao đổi với phóng viên về vấn đề đội giá mua sắm trong các gói thầu, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, nếu có căn cứ cho thấy giá hàng hoá trong hồ sơ mời thầu cao hơn giá thị trường cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu.

“Để xảy ra trường hợp “đội giá” thì rõ ràng đơn vị thẩm định đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước thì phải quy kết trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có vi phạm”, luật sư Kiên nhấn mạnh.

Vị luật sư cho biết thêm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định thêm tội danh mới liên quan tới lĩnh vực này. Cụ thể, Điều 222 quy định, người nào gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đặng Thủy - Vũ Hạnh

Tin nổi bật