Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành y tế Quảng Bình chủ động các biện pháp khống chế

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, sau khi ghi nhận một số ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ trên địa bàn, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm khống chế, không để dịch bùng phát ra diện rộng.

Theo báo cáo của ngành y tế, trên địa bàn TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện ghi nhận gần 70 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó các ca bệnh tập trung tại các phường Bắc Lý, Đức Ninh Đông.

CDC Quảng Bình cho biết, qua điều tra tại các hộ gia đình ở tổ dân phố 14 phường Bắc Lý, các chỉ số côn trùng của muỗi sốt xuất huyết được điều tra là rất cao, vượt ngưỡng cảnh báo (BI=42,85; CSMDM=0,56 ); đồng thời xác định đây là ổ dịch sốt xuất huyết cần được xử lý kịp thời, chủ động khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, CDC Quảng Bình đã cử đoàn công tác phối hợp Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới triển khai phun hóa chất diệt muỗi, trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật phun chủ động tại tổ dân phố 14 phường Bắc Lý với 210 hộ dân, tổ dân phố Diêm Thượng - phường Đức Ninh Đông với 181 hộ dân và các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bên cạnh đó, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình làm vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, thau vét các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng, bọ gậy… để chủ động ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng..., thông tin từ báo Lao Động.

Trước đó, vào đầu tháng 9, tại xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch cũng xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch đã nhanh chóng phối hợp cùng chính quyền địa phương, trạm y tế xã triển khai phun hóa chất diệt muỗi.

Cùng với đó, phối hợp tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống sốt xuất huyết; vận động người dân tại các thôn làm tổng vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư và trong từng gia đình, thau rửa dụng cụ chứa nước, che đậy thức ăn, nước uống, đồ dùng trước khi phun hóa chất diệt muỗi.

Công tác vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.

UBND tỉnh này cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sớm phát hiện và xử lý kịp thời. Các cơ sở y tế bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, nhân lực điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân và chuyển tuyến kịp thời.

Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật