Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Sóng ngầm” ở một miền biên viễn: (Bài 2) Nở rộ các hình thức cho vay nhanh, “tín dụng đen”

(DS&PL) -

Vay tiền tín dụng đen, nhiều người quẫn bách tìm đến cái chết vì không có tiền trả nợ, cũng có người không giữ được bình tĩnh, ra tay sát hại chủ nợ khi bị đe dọa, mắng chửi nhiều lần...Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng cho vay tín dụng đen ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến nhiều người sập bẫy.

Sát hại chủ nợ

Nói về việc người dân tìm đến tín dụng đen, một cán bộ làm việc lâu năm tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thức nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền, vì thủ tục nhanh, đơn giản. 

“Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao… cũng là nguyên nhân để dẫn đến tình trạng trên”, vị này nhấn mạnh.

Một nhóm cho vay lãi nặng bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Giang xử lý (Ảnh tài liệu).

Bế tắc vì nợ nần, nhiều người tìm đến cái chết. Có người không giữ được bình tĩnh, ra tay sát hại chủ nợ khi bị đòi tiền. Một ví dụ cho việc này là câu chuyện của A. (Tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại xã T., huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trước đó, V. (Tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại xã N. huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, đã tìm đến A. vay nóng tiền. Đến hạn trả nợ, V. không có tiền. Để đòi nợ, A. đã nhiều lần đe dọa, chửi mắng V..Trong một lần bị A. đòi nợ, V. đã dùng côn sát hành hung A. khiến người này thiệt mạng. 

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo Công an tỉnh Hà Giang, hiện nay các hình thức cho vay cũng như các tổ chức “tín dụng đen” trên địa bàn đang hình thành hết sức đa dạng và phức tạp. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ bất an cho địa phương cùng sự an toàn về tính mạng của người dân trên địa bàn.

Cũng theo cơ quan này, để thực hiện Chỉ thị số 12, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đến các huyện, thành phố.

Theo đó, trong thời gian qua, các Đoàn kiểm tra liên ngành này đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản kiểm tra 81 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó 12 cơ sở không đăng ký kê khai thuế. 

Công an các cấp tiếp nhận 6 tin báo về cho vay nặng lãi, giải quyết 6 tin; trong đó khởi tố 2 vụ/2 bị can, xử lý hành chính 2 vụ/3 đối tượng. Điều tra làm rõ 11 vụ/26 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; bắt và khởi tố 12 bị can. Rà soát, đấu tranh triệt xóa 2 nhóm/4 đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, 1 nhóm/4 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản…

Cũng theo đánh giá của Công an tỉnh, hiện nay các hình thức vay nóng, vay nhanh của các tổ chức, cá nhân núp bóng “tín dụng đen” trên địa bàn đã có những biến hóa hết sức tinh vi.

Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh phát hiện và tiếp nhận tin báo, tố giác của người dân trên địa bàn tỉnh về việc bị một số đối tượng mạo danh các tổ chức tài chính hoặc lập các ứng dụng (app) như “Mirae Asset”, “Easy Ledger”, “Money App” cho vay tiền nhanh chóng, tiện lợi, không hồ sơ, không thế chấp… 

Sau khi tham gia, nhiều người đã bị các đối tượng sử dụng chiêu trò để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Với phương thức, thủ đoạn thông qua các trang web, sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng (app) được cài đặt trên smartphone cùng nội dung như “Vay trực tuyến, vay online không gặp mặt, thủ tục đơn giản, vay siêu nhanh”, các đối tượng đã lập ra các ứng dụng có nội dung, hình thức tương tự với ứng dụng của các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính được pháp luật công nhận để lôi kéo những người mất cảnh giác đăng ký vay tiền. 

Sau khi tiếp cận nạn nhân, các đối tượng sử dụng sim điện thoại, tài khoản mạng xã hội để hướng dẫn các thủ tục vay tiền thông qua các ứng dụng theo các bước: Truy cập vào App Store hoặc CH Play để tải và cài đặt ứng dụng vay tiền trên điện thoại của bị hại, sau đó đăng ký 1 tài khoản vay tiền bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (như hình ảnh, số và hình chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn (trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động, cung cấp thông tin của người thân để bảo lãnh gói vay mà bị hại muốn đăng ký). 

Sau khi gói vay được phê duyệt, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để được giải ngân khoản vay, yêu cầu người vay phải đóng phí để ngân hàng khôi phục lại tài khoản… 

Nếu nạn nhân nghi ngờ thì đối tượng trở mặt tìm cách đe dọa cho rằng nạn nhân lừa đảo chúng. Sau đó, hướng dẫn người vay chuyển tiền vào các tài khoản mà đối tượng cung cấp, khi bị hại tin tưởng chuyển tiền xong, các đối tượng lập tức khóa sim, tài khoản đã liên lạc, rút tiền khỏi tài khoản nhằm chiếm đoạt...

Song Nguyên – Trần Hùng

Tin nổi bật