Sáng 1/5, ông Tòng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, cho biết trên Dân trí, một hố sụt mới xuất hiện sáng qua (30/4) tại khu nhà tắm, khu vệ sinh nhà ông Quàng Văn In và nhà bếp của ông Quàng Văn Chung.
Miệng hố rộng khoảng 7m, sâu 9m khiến nhà tắm, nhà vệ sinh đổ nghiêng. Chính quyền đã huy động nhân lực di tản hai hộ dân này ra khỏi khu vực nguy hiểm trong khi chờ phương án xử lý từ cơ quan chuyên môn.
Theo đó, điểm sụt lần đầu tiên xảy ra vào ngày 2/4 tại ao cá của gia đình ông Lò Văn Điện. Vào thời gian trên, một tiếng động lớn phát ra từ ao cá xây bằng gạch, láng xi măng của gia đình ông Điện, sau đó cột nước phun lên từ ao. Toàn bộ nước trong ao bất ngờ bị rút xuống một miệng hố sâu.
Tới ngày 17/4, một hố sụt sâu xuất hiện tại nhà ông Quàng Văn Inh, cách điểm sụt lún của nhà ông Điện 100m.
Chính quyền rào chắn khu vực hố tử thần. (Ảnh: Dân trí)
VnExpress dẫn thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La phối hợp với Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản khảo sát ban đầu, đánh giá bản Nong Sơn nằm trên khu vực phân bố đá vôi của hệ tầng Đồng Giao. Khu vực này còn chịu ảnh hưởng của đới đứt gãy Sông Đà làm cho đá bị dập vỡ, nứt nẻ.
Tác nhân chính của hiện tượng này là nước mưa chứa CO2 hòa tan ngấm vào đất đá, làm ăn mòn hóa học các khối đá vôi, tạo ra các hệ thống hang động ngầm. Khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như mưa lớn kéo dài, khô hạn hoặc do khai thác nước dưới đất quá mức sẽ làm mực nước hạ thấp, tạo ra các lỗ hổng trong kết cấu đất, tăng tải trọng lên trần hang dẫn đến sụt lún.