Cả nước Mỹ chỉ có khoảng 3,75 triệu trẻ em được sinh ra trong năm 2019, mức thấp nhất trong 35 năm trở lại đây.
Theo số liệu thống kê liên bang vừa được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố ngày 20/5, tỷ lệ sinh ở nước này đã xuống đến mức thấp nhất trong 35 năm trở lại đây.
Trong năm 2019, cả nước Mỹ chỉ có khoảng 3,75 triệu trẻ em được sinh ra, giảm 1% so với năm 2018 và là năm giảm thứ 5 liên tiếp. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ năm 1985.
Cũng theo số liệu thống kê, trong năm 2019, tỷ lệ sinh tại Mỹ rất thấp. Trung bình cứ 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15-44 thì chỉ có 58 người sinh con, giảm 5% so với năm trước đó.
Hiện dân số Mỹ vào khoảng 331 triệu người.
Ảnh minh họa |
Trước đó, hồi đầu tháng 1 năm nay, quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc có tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất 70 năm qua.
Theo cơ quan trên, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc năm 2019 ở mức 10,48 trên 1000 người - mức thấp nhất kể từ năm 1949. Số trẻ chào đời ở nước này trong năm 2019 giảm khoảng 580.000 trẻ xuống còn 14,65 triệu trẻ. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc không muốn sinh con do lo ngại không trang trải được chi phí y tế và giáo dục cùng với giá nhà ở đắt đỏ.
Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, tăng nhẹ so với 1,39 tỷ dân năm 2018.
Vấn đề già hóa còn xảy ra ở một số nước phát triển khác như Nhật Bản. Theo báo cáo mới nhất hôm 4/5 vừa qua, Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông, tính đến ngày 1/4/2020, số lượng trẻ em dưới 14 tuổi là 15,12 triệu trẻ, giảm 200 nghìn trẻ so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Nhật Bản tiến hành thu thập dữ liệu số lượng trẻ em trong quy mô dân số từ năm 1950, bất chấp các nỗ lực giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ sinh kéo dài.
Tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số giảm xuống mức thấp kỷ lục mới 12% ở năm thứ 46 giảm liên tiếp. Theo Niên giám Nhân khẩu học của Liên hợp quốc, tỷ lệ này tại Nhật Bản thấp hơn mức 12,4% của Hàn Quốc và là mức thấp nhất trong số 32 quốc gia có xấp xỉ 40 triệu dân.
Ngược lại, số dân trên 65 tuổi chiếm 28,6% dân số Nhật Bản, phản ánh bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình nhân khẩu học của Nhật Bản.
Hoa Vũ (T/h)