Khi các nhân vật trong Tây Du Ký đều có được vinh hoa, danh tiếng sau thành công của bộ phim thì duy chỉ có một "diễn viên" phải chịu cái kết buồn thảm chẳng ai nhớ đến.
Tây Du Ký bản 1986 đến nay đã được chiếu đi chiếu lại hơn 3000 lần mặc cho mỗi năm lại có thêm nhiều bản Tây Du Ký được dựng lại mới mẻ hấp dẫn hơn. Điều này đã chứng tỏ được độ kinh điển khó có phiên bản nào vượt qua được của bản truyền hình được dựng thô sơ 20 năm về trước.
Ngoài các diễn viên chính là 4 thầy trò Đường Tăng và dàn mỹ nhân xinh đẹp, có một nhân vật trong Tây Du Ký cũng đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của bộ phim mà lại ít được người ta nhắc đến sau khi bộ phim được chiếu trên sóng truyền hình.
Đó là một diễn viên không tên: chú ngựa Bạch Long Mã. Chú ngựa này đã cùng đoàn làm phim bôn ba khắp các vùng đất của Trung Quốc để quay phim trong suốt 5 năm. Nhưng sau khi bộ phim kết thúc và các diễn viên đạt được vinh quang và danh vọng thì Bạch Long Mã lại có số phận thê thảm ít ai biết được.
Khi đó đoàn làm phim Tây Du Ký đi tìm bối cảnh ở khắp nơi, cứ đến đâu lại ráo riết đi tìm một chú ngựa trắng để vào vai Bạch Long mã nhưng không thành công. Có lúc đoàn đã từng phải sử dụng một con ngựa nâu được sơn trắng lên để quay phim.
Tìm được ngựa trắng phù hợp để quay phim vào thời đó thực sự rất khó. Cuối cùng, đoàn làm phim cũng có duyên gặp được chú bạch mã vốn được sử dụng trong quân đội nhưng đã bị đào thải, chính là chú ngựa xuất hiện trong phim.
Chú ngựa này tính tình vô cùng ôn hòa và thuần tính. Các diễn viên Tây Du Ký thời đó đã phải chịu bao nhiêu vất vả khổ cực trong giai đoạn quay phim thì Bạch Long Mã cũng phải chịu bấy nhiêu khổ sở, thậm chí nguy hiểm mất mạng.
Trong cuốn hồi ký "Chín chín tám mốt khiếp nạn của tôi" của đạo diễn Dương Khiết có ba lần nhắc tới Bạch Long Mã đã phải chịu mạo hiểm vì đoàn phim.
Lần thứ nhất là ở Tô Châu, trong một lần di chuyển địa điểm quay Bạch Long Mã đã bị ngã xuống suối, yên ngựa bị kẹt không tài nào đỡ chú lên được. Đạo diễn Dương Khiết lại gần vỗ về hỏi Bạch Long Mã: "Con có đau không? Sao lại đi đứng không cẩn thận vậy? Đừng vội nhé, chúng ta sẽ vực con dậy ngay đây", chú ngựa lúc đó đã rơi lệ.
Trong cảnh quay ngay đầu mỗi tập phim, thầy trò Đường Tăng cùng nhau dắt ngựa đi trên đỉnh một thác nước thể hiện hành trình thỉnh kinh gian nan, vất vả hẳn phần lớn khán giả vẫn còn nhớ. Đây là một cảnh quay rất nguy hiểm bởi thời 20 năm trước các dụng cụ vã kĩ xảo còn đơn giản và thô sơ.
4 diễn viên chính và Bạch Long Mã đã thực sự phải lội qua đỉnh thác nước. Bạch Long Mã lúc đó đã không may giẫm phải một hòn đá trơn và trượt chân nằm sõng soài trên những vách đá nước đang chảy xiết.
Đoàn làm phim những tưởng đã mất đi chú ngựa trung thành Bạch Long Mã nhưng may sao, với sự giúp đỡ của một người dân địa phương vốn là một ngựa thuần ngựa chuyên nghiệp, đoàn làm phim đã cứu được chú ngựa thành công.
Sau khi bạch mã đã được kéo vực dậy, bốn thầy trò mới bắt tay thực hiện cho cảnh quay trên đầu con thác theo như yêu cầu của Dương Khiết. Chỉ đến khi mọi người trong ê-kíp làm phim thấy mọi người trở xuống và kể lại sự tình thì đạo diễn mới hay biết chuyện, bà cảm thấy mình đã quá tàn nhẫn với chú ngựa.
Đạo diễn Dương chỉ biết tự trách mình sao lại bắt một con ngựa tội nghiệp phải lao động vất vả đến vậy. Bà nghĩ có lẽ chú ngựa sẽ trách oán bà nhưng không thể nói ra được nỗi khổ sở mà nó phải chịu.
Lần thứ ba là một cảnh quay trên núi. Con đường lên núi khó khăn trắc trở, Bạch Long Mã lại một lần nữa bị ngã xuống khe nước sâu, một chân bị lọt xuống lòng khe và một bên cận kề với vách đá.
Kiếp nạn cuối cùng này của Bạch Long Mã phải nhờ đến toàn bộ đoàn phim từ diễn viên chính đến nhân viên cùng lao xuống khe nước kéo chú lên mới có thể qua khỏi và lên bờ an toàn.
Hành động của tất cả thành viên đoàn lúc đó khiến đạo diễn Dương hết sức xúc động. Bà không còn nhớ được khi đó còn có những người nào tham gia cứu ngựa nhưng giờ khắc sinh tử đó đến nay Dương Khiết vẫn nhớ như in.
Năm đó tiền cát xê của diễn viên rất ít. Những "diễn viên" vô danh như ngựa Bạch Long Mã lại càng chịu nhiều khổ cực. Nhưng chú ngựa trung thành vẫn âm thầm chịu đựng và trở thành một thành viên không thể thiếu trong đoàn, mà đến tận ngày nay nhắc lại các diễn viên còn nhớ nhiều kỷ niệm đẹp.
Sau khi quay xong Tây Du Ký, ngựa Bạch Long Mã đã được để lại tại Vô Tích và rơi vào tay một tên chủ gánh xiếc bất lương. Chú ngựa được mang danh hiệu "Bạch Long Mã Tây Du Ký" đã đi "biểu diễn" khắp nơi, để người xem bỏ tiền chụp ảnh và cưỡi ngựa, kiếm về cho hắn không ít tiền bạc nhưng bị đối xử vô cùng tàn tệ.
Khi không còn giá trị lợi dụng nữa, Bạch Long Mã bị gã chủ vứt bỏ, nhốt lại trong một lò nung cũ. Đạo diễn Dương Khiết sau khi kết thúc quay phim vẫn luôn nhớ về chú ngựa bạch mã hiền lành đã đồng hành cùng đoàn phim nhiều năm nên đã tìm về thăm chú.
Lúc này bạch mã bị bỏ mặc bẩn thỉu nhem nhuốc, không còn nhận ra là ngựa trắng nữa, cũng không còn đôi mắt và thần thái tinh anh của Bạch Long Mã trong phim ngày nào.
Nhiều năm về sau Bạch Long Mã ngày càng già nua và gầy guộc. Chú ngựa thường xuyên bị chủ bỏ đói giữa một đoàn ngựa cao to, khỏe mạnh của đoàn xiếc.
Đạo diễn Dương Khiết nhiều lần về thăm Bạch Long Mã thấy cảnh này không cầm được nước mắt nhưng lực bất tòng tâm. Và lần cuối bà đến thăm chú ngựa thì Bạch Long Mã được báo đã chết không lâu trước đó.
Bức ảnh cuối đạo diễn Dương Khiết chụp cũng Bạch Long Mã.
Vì quay Tây Du Ký, chú ngựa trắng xuất thân từ ngựa quân đội đã cùng đoàn phim đi khắp bốn phương. Đến cuối cùng, khi bộ phim trở thành kinh điển và được bao thế hệ khán giả yêu mến thì chỉ riêng Bạch Long Mã phải chịu số phận bị bỏ rơi không người chăm sóc và qua đời ở nơi không ai rõ.