Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Số phận ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung

(DS&PL) -

Báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung, là một trong những tờ báo tiêu biểu của báo chí yêu nước cách mạng, phản ánh lại một cách trung thực không khí, đời sống chính trị trong nửa đầu thế kỷ XX và đã thực sự có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa miền Trung, cho Huế, cho báo chí Việt Nam.

Nơi từng xuất bản 1.766 số báo

Ngôi nhà toạ lạc số 123, đường Huỳnh Thúc Kháng, Tp.Huế từng là trụ sở của báo Tiếng Dân, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời ở miền Trung.

Sau bao nhiêu thăng trầm, hiện ngôi nhà này đã trở thành di tích lưu niệm sự kiện cấp tỉnh, thuộc sự quản lý của Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế.

Ngôi nhà số 123 đường Huỳnh Thúc Kháng được thiết kế với lối kiến trúc Pháp.

Theo thông tin từ Bảo tàng, ngày 10/8/1927, Báo Tiếng Dân ra số đầu tiên, do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, Đào Duy Anh làm thư ký tòa soạn.

Lúc thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng muốn đặt trụ sở tại Hội An (Quảng Nam) nhưng chính quyền bảo hộ thời điểm đó chỉ đồng ý cho ra báo với điều kiện tòa soạn phải đặt ở Huế. Sau đó, cụ đã giao ông Trần Đình Phiên ra Huế tìm mua một ngôi nhà vừa làm trụ sở, vừa làm nơi in báo và đã tìm đến ngôi nhà số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè (nay là nhà số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng). Sau khi giao việc cho ông Phiên, cụ Huỳnh đã cùng 2 người khác mượn 1 chiếc xe ô tô ra Hà Nội mua máy in để phục vụ công việc in báo. Ngày 24/4/1943, Báo Tiếng Dân bị chính quyền thực dân buộc đình bản sau khi đã xuất bản 1.766 số.

Trong 16 năm hoạt động, Báo Tiếng Dân đã tập hợp được nhiều trí thức có tinh thần dân tộc, trở thành tờ báo có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội ở miền Trung và cả nước; thể hiện tiếng nói của xu hướng chính trị không phục tùng đường lối của thực dân Pháp và Nam triều.

Trụ sở Báo Tiếng Dân cũng từng là trụ sở Hội đồng châu Quảng Nam, được cụ Huỳnh Thúc Kháng làm ký túc xá cho những sinh viên Quảng Nam ra Huế học. Sau năm 1975, khu nhà được bố trí cho một số cán bộ Trường Đại học Y Dược Huế để ở. Đến năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 về việc tiếp nhận khu tập thể 193 Huỳnh Thúc Kháng thành quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thừa ThiênHuế quản lý.

Năm 2019, Trụ sở Báo Tiếng Dân tại số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngôi nhà sẽ là Bảo tàng báo chí thu nhỏ

Trước năm 2015, vẫn còn 6 hộ gia đình sinh sống tại đây. Tuy nhiên, thời điểm này, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Trước tình hình này, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân đang ở trong khu nhà này để thực hiện di dời cuối năm 2015. Sau đó, việc tu sửa trụ sở tờ báo Tiếng Dân đã được tiến hành, đồng thời, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, cách mạng của di tích đặc biệt gắn với nhân vật lịch sử Huỳnh Thúc Kháng, việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với di tích này cũng nhanh chóng được triển khai.

Đến năm 2019, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Trụ sở Báo Tiếng Dân tại số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng. Hiện di tích còn lưu giữ được 2 khu nhà cũ (trong đó có một khu nhà hai tầng) với lối kiến trúc Pháp từng là nơi tòa soạn Báo Tiếng Dân làm việc. Bên trong được bố trí nhiều ngăn tủ kính để trưng bày những tư liệu, bản báo in của Báo Tiếng Dân phục vụ du khách đến tham quan.

Bên trong được bố trí nhiều ngăn tủ kính để trưng bày những tư liệu, bản báo in của Báo Tiếng Dân phục vụ du khách đến tham quan.

Lê Công Thành

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số gộp 147+148+149

Tin nổi bật