Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Số phận bi kịch của nữ tướng quân duy nhất trong lịch sử TQ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Các chuyên gia khẳng định rằng, trong lịch sử Trung Quốc chỉ có duy nhất một nữ tướng từng được ghi chép trong sử sách, ấy là Tần Lương Ngọc.

(ĐSPL) - Dưới sự cai trị của chế độ phụ quyền thời phong kiến, dân gian Trung Quốc đã nghĩ ra rất nhiều câu chuyện về các nữ tướng lừng lẫy, từ Hoa Mộc Lan tới Dương Môn Nữ tướng… Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng, trong lịch sử Trung Quốc chỉ có duy nhất một nữ tướng từng được ghi chép trong sử sách, ấy là Tần Lương Ngọc…

Nữ trung hào kiệt

Tần Lương Ngọc sinh vào năm Vạn Lịch thứ nhất (1572) thời Minh Thần Tông tại thị trấn Lạc Thiên, phía Tây thành Trung Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha Tần Lương Ngọc là Tần Đăng, vốn là một nhà thư pháp, có 4 người con, 3 trai và 1 gái. Lương Ngọc là con thứ 3 trong gia đình, trên có anh Tần Bang Bính, Tần Bang Hàn, dưới có em trai Tần Dân Bính. Tần Đăng ngoài việc dạy Lương Ngọc thi thư cũng không quên dạy cô con gái múa thương đi quyền, cưỡi ngựa, bắn tên.

Từ nhỏ, Tần Lương Ngọc đã có chí “cầm vũ khí bảo vệ xã tắc” nên học hành rất chăm chỉ. Tuy là nữ nhi, song từ thi thư cho tới võ nghệ, không môn nào là Lương Ngọc không thông thạo. Là một người phụ nữ nuôi chí lớn nên yêu cầu của Lương Ngọc cũng rất cao. Lúc bấy giờ, một công tử giàu có trong vùng tên là Tào Cao rất mê Lương Ngọc, nhiều lần tới dạm hỏi nhưng đều bị Tần từ chối thẳng thừng. Tào giận quá hóa thẹn, tìm cách vu cáo Lương Ngọc cầm đầu những kẻ chống nộp thuế để đẩy Lương Ngọc vào tù.

Ảnh minh họa.

Sau khi ra tù, Lương Ngọc tổ chức một cuộc thi tỉ võ cầu thân ngay tại nhà mình. Tào Cao cũng đến ứng thí, bị Lương Ngọc đánh cho một trận bê bết, xấu hổ bỏ về. Lần đó, Lương Ngọc đã tìm được ý trung nhân của mình là Tuyên phủ sứ của Thạch Trụ là Mã Thiên Thừa. Năm Vạn Lịch thứ 20, vừa tròn 20 tuổi, Lương Ngọc kết hôn với Mã Thiên Thừa.

Thạch Trụ cũng thuộc Trung Châu, cách quê của Tần Lương Ngọc không xa, là một quận tự trị của tộc người Miêu. Triều đình nhà Minh thiết lập nên chức Tuyên phủ sứ để cai quản những người Miêu quy thuận triều đình. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tuyên phủ sứ chính là huấn luyện binh mã để duy trì trị an trong vùng. “Phu xướng phụ tùy”, Tần Lương Ngọc văn võ song toàn đã tìm được đất dụng võ, chỉ trong vài năm, Lương Ngọc đã giúp chồng huấn luyện nên đội quân Bạch Can (Gọi là quân Bạch Can là bởi vì binh lính của quân đội này chủ yếu sử dụng ngón giáo dài có cán màu trắng – ND) tinh nhuệ và thiện chiến. Cũng trong thời gian đó, hai người có một đứa con trai, đặt tên là Mã Tường Lân.

Năm Vạn Lịch thứ 26, Tuyên phủ sứ của Phan Châu là Dương Ứng Long câu kết với 9 bộ tộc trong vùng dấy binh chống lại triều đình. Dương xua binh lính đốt nhà cướp của, không tội ác nào không làm. Triều đình nhận được tin, phái Tổng đốc Tứ xuyên là Lý Hóa Long cùng các cánh quân địa phương hợp lực tiêu diệt quân phản loạn của Dương Ứng Long. Đội quân của Mã Thiên Thừa và Tấn Lương Ngọc cũng nằm trong đội quân này. Nhờ quen thuộc địa hình, đội quân Bạch Can của vợ chồang Tấn Lương Ngọc đã khiến quân phản loạn nhiều phen khiếp mật, góp công lớn trong việc đánh lui quân phản loạn.

Dương Ứng Long bị đánh thua, trên đường rút chạy vẫn đánh hạ được ba cửa ải là Tang Mộc, Ô Giang, Hà Độ chạy tới Lâu Sơn Quan được coi là cửa ải thiện nhiên ở bên ngoài thành Phan Châu, được núi cao hiểm trở bao quanh, chỉ có một con đường duy nhất qua cửa ải này. Do đường nhỏ nên đại quân không thể nào kéo vào được. Lúc đó, Tần Lương Ngọc đã nghĩ ra một cách hạ thành.

Sáng sớm hôm đó, chỉ hai vợ chồng Tần Lương Ngọc cầm giáo, cưỡi ngựa công thành. Chỉ thấy hai ngọn giáo loang loáng, phản quân hết tên này đến tên khác ngã xuống đất. Đám viện quân ở phía sau muốn xông lên nhưng vì đường quá nhỏ nên không thể nào áp tới được. Khi quân địch dồn xuống đủ đông, thì quân Bạch Can từ hai bên xông xuống, giết sạch đám phản quân, Lâu Sơn Quan bị hạ. Phản quân của Dương Ứng Long bị tiêu diệt hoàn toàn. Danh tiếng “nữ tướng quân” của Tần Lương Ngọc cũng từ đó lan xa khắp vùng.

Cuộc đời bị kịch

Lập được chiến công hiển hách, được những tướng lĩnh sừng sỏ nhất thán phục, song thời điểm ấy cũng là lúc Tần Lương Ngọc bắt đầu đối mặt với bị kịch. Năm Vạn Lịch thứ 41 (1613), Mã Thiên Thừa bị bắt không rõ lý do rồi sau đó chết đột ngột trong ngục. Sử sách nhà Minh ghi chép, người dân viết đơn tố cáo Mã Thiên Thừa, triều đình nhà Minh điều tra, bắt Mã tống giam. Không lâu sau, Mã vì sợ tội mà sinh bệnh chết trong ngục tối. Tuy nhiên, nguyên nhân thực tế lại không phải như vậy.

Kỳ thực, viên thái giám tên Khâu Thừa Vân được triều đình nhà Minh cử tới Thạch Trụ để giám sát việc thu thuế đã đòi Mã Thiên Thừa hối lộ. Tuy nhiên, Mã cho rằng, mình lập được đại công giúp triều đình tiêu diệt phản loạn Dương Ứng Long nên không chịu đưa hối lộ cho Khâu. Khâu nổi giận, sai người ngụy tạo tội danh tống Mã vào ngục sau đó hành hạ Mã cho tới chết. Năm đó, Mã Thiên Thừa mới 41 tuổi.

Sau khi Mã chết, triều đình vẫn cho con cháu họ Mã kế thừa chức vụ Tuyên phủ sứ, tuy nhiên, khi đó, Mã Tường Lân còn quá bé nên triều đình quyết định giao chức vụ này cho Tần Lương Ngọc. Chồng chết một cách bí hiểm trong ngục tối, song Tần Lương Ngọc vẫn chỉ biết một lòng trung thành với triều đình, tận tâm, tận sức hoàn thành chức trách của mình. Tuy nhiên, bị kịch của “nữ tướng quân” duy nhất trong lịch sử Trung Quốc không chỉ có vậy.

Những năm cuối thời Vạn Lịch, người Mãn nhanh chóng nổi dậy, lập Nỗ Nhĩ Cáp Xích làm vua, thành lập nên nhà Hậu Kim, dẫn quân tấn công lãnh thổ nhà Minh. Minh Thần Tông thấy nguy cơ từ nhà Hậu Kim nên quyết định điều 8 vạn đại quân nhằm tiêu diệt quân địch. Không ngờ, ngay trận đầu tiên, 8 vạn đại quân Minh đã bị quân Kim đánh cho tan tác. Tình thế nguy cấp của vùng Liêu Đông trực tiếp uy hiếp đến an toàn của thành Bắc Kinh. Triều đình nhà Minh vội điều quân tiếp viện. Khi đó, Tần Lương Ngọc đã 46 tuổi song vẫn tự mình dẫn hơn 3000 quân Bạch Can cùng anh, em và con trai mình ngược lên phía bắc chống quân Kim.

Đúng thời điểm đó thì mấy tháng sau, Minh Thần Tông băng hà, Minh Quan Tông kế vị chưa được 1 tháng cũng đoản mệnh. Đến lượt Minh Hỷ Tông kế thừa ngôi báu. Quân Kim nhân cơ hội này, liên tục lấn sâu vào lãnh thổ triều Minh. Trong những cuộc chiến chênh lệch thấy rõ, lần lượt hai anh của Tần Lương Ngọc đều chết trận, con trai là Mã Tường Lân cũng bị thương nặng.

Năm Thiên Khởi thứ 5 triều Minh, Minh Hỷ Tông băng hà, em trai là Minh Tư Tông, tức Sùng Trinh lên thay. Nhân cơ hội triều đình nhà Minh rối ren vì đổi chủ, quân Kim nay đã đổi thành triều Thanh dẫn quân tấn công, tiến sát tới kinh đô. Một lần nữa, triều đình nhà Minh lại kêu gọi các cánh quân địa phương cần vương, tới kinh thành giải vây, đẩy lùi quân Thanh. Năm đó, Tần Lương Ngọc đã 55 tuổi, vẫn tự mình dẫn quân tới giải cứu kinh đô. Dưới sự chỉ huy lão luyện của Tần Lương Ngọc, đội quân Bạch Can một lần nữa đánh lui quân Thanh ở nhiều nơi, chiếm lại các vùng Lạc Châu, Vĩnh Bình, góp phần giải cứu kinh đô. Lần đó, Tần Lương Ngọc còn được Sùng Trình Đế viết thơ tặng để ghi nhớ công lao.

Tuy nhiên, những nỗ lực và sự trung thành của nữ tướng già Tần Lương Ngọc không giúp triều Minh khỏi sự sụp đổ. Không lâu sau đó, quân Thanh tràn vào Trung Nguyên, lật đổ nhà Minh, lập nên triều Đại Thanh. Tần Lương Ngọc mất đi chỗ dựa tinh thần, song vẫn hàng ngày huấn luyện đội quân Bạch Can, giữ vững trị an của vùng Thạch Trụ. Năm Thuận Trị thứ 5, Tần Lương Ngọc khi đó đã 75 tuổi, sau khi duyệt binh xong, vừa bước xuống ngựa thì ngã quỵ và qua đời. Cuộc đời của vị nữ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc kết thúc.

ĐẠI NAM

Xem thêm clip: Khám phá những phong tục Tết cổ truyền của một số nước Châu Á

Tin nổi bật