(ĐSPL) – Các xe taxi vẫn được ra vào địa bàn Hà Nội đón trả khách bình thường, tuy nhiên, họ không được phép hoạt động cố định tại đây khi chưa chính thức đăng ký kinh doanh.
Ảnh minh họa. |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trước thông tin Hà Nội chuẩn bị cấm taxi ngoại thành vào đón khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố thì hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 107 doanh nghiệp taxi với hơn 17.000 xe hoạt động và đã ở mức bão hòa. Đồng thời có khoảng trên 2.000 xe do các địa phương lân cận cấp phù hiệu đang hoạt động trên địa bàn thành phố (nhiều xe trong số này mang biển số của Hà Nội) dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Vì vậy, thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT đã có kế hoạch trình lên Bộ GTVT về việc phát triển và quản lý xe taxi, đảm bảo phục vụ tốt hành khách.
Theo đó, taxi Hà Nội sẽ có phù hiệu và màu sắc riêng so với các vùng lân cận khác để dễ dàng phân biệt.
Hà Nội cho biết sẽ xác định một lượng xe taxi phù hợp với nhu cầu của nhân dân, vừa để đảm bảo an toàn giao thông, vừa phục vụ tốt hành khách.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho hay, thời gian qua có một số hãng taxi thường trốn tránh sự quản lý của nhà nước bằng cách đăng ký kinh doanh ở các địa phương lân cận nhưng lại đưa về Hà Nội hoạt động, chính lượng taxi này không có bến bãi, không có điểm đỗ điểm dừng, gây mất trật tự nên Hà Nội không thể quản lý được.
Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Vừa qua, công tác quản lý hoạt động của taxi trên địa bàn thành phố xuất hiện một số lượng lớn taxi nhằm trốn tránh sự quản lý, giám sát của nhà nước đã tìm cách đăng ký kinh doanh tại một tỉnh nhưng lại sang tỉnh khác để hoạt động cố định. Đặc biệt, những lái xe này thường lợi dung tăng giá cước, bắt chẹt hành khách vì họ không phải chịu sự quản lý của ai. Ở tỉnh họ đăng ký thì họ đi khỏi tỉnh, ở tỉnh họ hoạt động cố định thì họ lại không đăng ký kinh doanh”.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh. |
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thì trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý một số trường hợp xe taxi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách, và đa số những xe đó đều có phù hiệu ở tỉnh khác. Vì thế, Thành phố đã chỉ đạo Sở báo cáo Bộ GTVT cho phép sử dụng 1 loại phù hiệu riêng cho taxi Hà Nội để nhằm phân biệt taxi được phép kinh doanh trên địa bàn thành phố, để từ đó quản lý được chất lượng, số lượng phương tiện, chất lượng người lái và hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng nhấn mạnh, việc thông thương, đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh là không có gì thay đổi, các taxi tỉnh khác vẫn đi lại vào Hà Nội bình thường, chỉ riêng đăng ký kinh doanh tại tỉnh này mà sang tỉnh khác hoạt động là không được phép.
Về thông tin cấm taxi ngoại tỉnh đưa đón khách vào hành lang bệnh viện, khách sạn, ông Linh khẳng định: “Đó không phải là một thông tin chính thống. Đó chỉ là một đề xuất được đưa ra trong hội nghị nhưng không được thông qua”.
“Làm sao có thể cấm như vậy được, bởi nguyên tắc là khi hoạt động thông thương giữa các tỉnh, xe taxi có quyền đưa đón và trả khách” – ông Linh nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, kế hoạch cấp đổi phù hiệu cho xe taxi đã được lập từ tháng 6, dự kiến cuối tháng 8 sẽ bắt đầu cấp đổi và hết tháng 9 sẽ cấp đổi xong phù hiệu. Trong quá trình cấp đổi phù hiệu sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Riêng về mức phạt của taxi thì theo đúng thông tư, nghị định đã ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, căn cứ vào báo cáo của các lực lượng và kiểm tra xử lý trên đường, tại các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có đề xuất để làm sao có mức phạt phù hợp và khả thi nhất” – ông Linh khẳng định.