Lý giải về việc cho phép ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết do sức ép giao thông quá lớn trên cầu.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào tối 3/11, do chiếc xe mang nhãn hiệu Mercedes GLC300, BKS: 30E-868xx bất ngờ mất lái đâm thẳng vào lan can cầu Chương Dương (Hà Nội), chiếc xe bị rơi xuống sông Hồng. Sự việc kinh hoàng đang khiến dư luận lo lắng về mức độ an toàn khi để xe ô tô đi chung làn với xe máy trên cầu.
Ô tô đi chung làn với xe máy trên cầu Chương Dương tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. |
Lý giải về việc cho phép ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện sở GTVT Hà Nội cho biết, việc cho phép ô tô đi chung làn với xe máy trên cầu Chương Dương là do sức ép giao thông quá lớn trên cầu. Cầu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên cầu và phía hai đầu cầu, để giảm ùn tắc Hà Nội đã cho phép ô tô đi vào làn xe máy.
Khi PV hỏi về việc thiết kế của 2 làn xe máy chỉ rộng 1,5m việc cho xe ô tô đi chung làn xe máy, sở GTVT đã khảo sát, thiết kế, vấn đề an toàn? Đại diện sở GTVT cho rằng: “Việc cho xe ô tô đi chung làn với xe máy có từ lâu rồi, bây giờ tôi phải kiểm tra lại các vấn đề trên rồi sẽ thông tin lại”.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A tại km170+200, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và là cửa ngõ giao thông huyết mạch của Hà Nội.
Cầu có tổng chiều dài 1.230m, gồm 21 nhịp: 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông, trong đó 7 nhịp ở phía Hoàn Kiếm và phía Long Biên có 3 nhịp, với tải trọng: H30. Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Hai làn xe ô tô chạy phần giữa cầu.
Cầu được xây 10/10/1983, đưa vào sử dụng 30/6/1985 do bộ GTVT làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế do tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (bộ GTVT), đến năm 2002 cầu đã được tiến hành sửa chữa. Sau đó, cầu được bộ GTVT bàn giao lại cho TP.Hà Nội quản lý.
Theo thiết kế đường “cánh gà” hai bên cầu Chương Dương chỉ dành cho xe máy, mặt đường và hệ thống lan can sắt (dạng răng lược) được xây dựng ở đây cũng chỉ đảm bảo cho xe máy lưu thông an toàn. Tuy nhiên, do cầu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, Hà Nội đã đồng ý cho phép xe ô tô con đi vào làn xe máy.
Thế Anh (Theo Người Đưa Tin)