Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sở GD&ĐT Đồng Nai đề xuất chi 440 tỷ đồng để thu hút, hỗ trợ giáo viên

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Tỉnh Đồng Nai dự kiến chi 440 tỷ cho chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên. Nguồn kinh phí thực hiện thu hút và hỗ trợ dự kiến được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Đồng Nai theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Vietnamnet đưa tin, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2023-2025.

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, đối tượng dự kiến được áp dụng chính sách hỗ trợ, thu hút gồm:

+ Giáo viên tham gia tuyển dụng mới, trúng tuyển và nhận công tác ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh;

+ Giáo viên dạy các bộ môn khó tuyển dụng gồm: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân ở cấp học phổ thông; tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS-THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số xã của huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất, Định Quán;

+ Tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật và giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo đưa ra 2 chính sách, thu hút tuyển mới giáo viên một lần với mức thấp nhất là 120 triệu đồng/người và cao nhất là 200 triệu đồng/người. Đối với chính sách hỗ trợ giáo viên hàng tháng, mức hỗ trợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người và cao nhất là 2,5 triệu đồng/người, theo VTV.

Sở GD&ĐT Đồng Nai đề xuất chi 440 tỷ đồng để thu hút, hỗ trợ giáo viên. Ảnh minh họa.

Nguồn kinh phí thực hiện thu hút và hỗ trợ dự kiến được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Đồng Nai theo phân cấp ngân sách hiện hành. Dự kiến nguồn lực để chi cho chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên là 440 tỷ đồng, trong đó 183 tỷ đồng dành để thu hút giáo viên và 257 tỷ đồng dùng để hỗ trợ giáo viên.

Hiện nay, Đồng Nai đang thiếu 3.600 giáo viên. Trong đó, giáo viên nhà trẻ thiếu 203 người, mẫu giáo 442 người, tiểu học 2.166 người, THCS 627 người, THPT 162 người. Đặc biệt, giáo viên THCS và THPT thiếu nhiều nhất ở các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Tin học.

Theo thống kê, năm học 2020-2023, Đồng Nai có 1.178 giáo viên nghỉ việc. Nguyên nhân chính là do thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống.

Trước đó, Sở GD&ĐT Tuyên Quang cũng từng mời sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường đại học sư phạm trên cả nước về làm việc với chế độ ưu đãi cao. Theo báo Lao động, cụ thể, cử nhân sư phạm loại giỏi, xuất sắc về làm việc tại các trường THPT trọng điểm của tỉnh sẽ hưởng nhiều ưu đãi: tuyển dụng thông qua xét tuyển (không phải thi) và hưởng chính sách hỗ trợ (một lần) với mức 90 - 100 triệu đồng/người.

Năm 2021, Tuyên Quang đưa ra chính sách tương tự. Sinh viên sư phạm tốt nghiệp thủ khoa được hỗ trợ tương đương 55 lần mức lương cơ sở (lương cơ sở năm 2021 là 1,49 triệu đồng - tương đương 81,95 triệu đồng/tháng); loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần, loại giỏi được hỗ trợ 45 lần.

Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên trước đó cũng ra nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn từ 1.8.

Giáo viên tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng và giáo viên mầm non 162 triệu đồng/người. Số tiền này được trao trực tiếp theo hình thức một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác.

Tỉnh cũng đưa ra điều kiện các giáo viên nhận hỗ trợ cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng.

Kinh phí được Hưng Yên dự tính khoảng 300 tỷ đồng và thời gian thực hiện quy định này đến hết 30/12/2030.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật