Ngày 29/9, báo Người lao động đưa tin, Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, vừa ký văn bản gửi các Phòng GD&ĐT, đơn vị giáo dục trực thuộc về việc chấn chỉnh thu - chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh) trong năm học.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, vừa qua, một số báo chí phản ánh về các khoản thu - chi đầu năm học 2023 - 2024 tại một vài trường học trên địa bàn, gây dư luận không tốt. Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định, trong đó lưu ý việc thu - chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023-2024.
Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) bắt đầu - nơi đang là tâm điểm của vụ thu quỹ phụ huynh tới hơn 310 triệu đồng. Ảnh: CAND
Nội dung văn bản chỉ đạo được chia rõ các mục cụ thể, nhằm đảm bảo công tác kiểm soát hoạt động thu chi đầu năm trên địa bàn thành phố:
Công tác vận động tài trợ: Phải thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, công văn 1427/UBND-VX ngày 17/4/2019 của UBND TP.HCM về hướng dẫn thực hiện thông tư số 16, trong đó lưu ý một số nội dung:
- Kế hoạch vận động phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (theo phân cấp quản lý) phê duyệt, trước khi tổ chức vận động trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.
- Nội dung kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng, kế hoạch triển khai thực hiện, dự toán kinh phí (có bảng dự toán kinh phí và bảng báo giá kèm theo kế hoạch để làm căn cứ cụ thể), nêu được những khó khăn hoặc nhu cầu cần thiết của đơn vị để lập kế hoạch vận động tài trợ thiết thực, hiệu quả.
Khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức “Chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho các cơ sở giáo dục. Mở rộng đối tượng tài trợ, không tập trung vào việc vận động từ cha mẹ học sinh.
Việc thành lập và hoạt động của Tổ tiếp nhận tài trợ tại cơ sở giáo dục cần thực hiện đầy đủ theo điều số 6 của Thông tư số 16 về cơ cấu, thành phần, phương thức tổ chức tiếp nhận, và trách nhiệm trong việc tiếp nhận, sử dụng tài trợ, thông tin tuyên truyền, rộng rãi về Kế hoạch vận động tài trợ sau khi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của đơn vị.
Sở nhấn mạnh các khoản tài trợ phải được tổng hợp kịp thời, và báo cáo quyết toán thu chi tài chính theo chu kỳ, báo cáo quyết toán tài chính theo năm đúng theo quy định.
- Về chế tài theo quy định tại Khoản 2 của Điều 15 Thông tư 16 ghi rõ, có thể xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nếu nhận tài trợ, thực hiện quy trình vận động và tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trái với quy định tại thông tư số 16.
Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
Lãnh đạo Sở nêu rõ, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng, chỉ phục vụ cho các hoạt động trực tiếp của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không sử dụng các khoản kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, cho lớp hoặc cho cán bộ quản lý quản lý, giáo viên, và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa hay nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (điểm b, khoản 4, Thông tư 55).
Hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định Kế hoạch sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến (Không bao gồm kinh phí tài trợ).
Về các khoản thu theo Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND: Tất cả tên các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu thuộc 4 nhóm theo phân loại của phụ lục đính kèm theo Nghị quyết 04.
Tất cả mức thu của khoản thu dịch vụ hỗ trợ, phục vụ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo không vượt thu tối đa theo quy định, cùng từng nhóm theo phân loại địa bàn và không tăng quá 15% so với mức thu đã thực hiện trong năm học 2022 – 2023.
Trên cơ sở nội dung, khung mức thu được quy định theo phân cấp, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ theo tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của cha mẹ học sinh để xây dựng Dự toán thu chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, phù hợp từng đơn vị trong năm học 2023 – 2024. Khi xây dựng dự toán, căn cứ nội dung theo các hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục về thực hiện các chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa và các nội dung khác theo quy định.
Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị Phòng GD&ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đảm bảo thực hiện chỉ đạo, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu Ủy ban Nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức ban hành hướng dẫn thu, chi đối với các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý.
Các cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ được tổ chức thu các khoản thu sau khi đã có công văn hướng dẫn của cấp quản lý về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học 2023 – 2024 đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn theo phân cấp.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4540/SGDĐT-KHTC ngày 21/8/2023 của Sở GD&ĐT về hướng dẫn thu học phí, giá dịch vụ và thực hiện kê khai giá đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2023 – 2024.
Tham mưu UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các phòng ban có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định, có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định.
Tham mưu UBND, huyện và thành phố Thủ Đức tập trung các nguồn lực để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp cho năm học mới, đào tạo và bồi dưỡng để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, bố trí các nguồn lực để huy động và phân bổ ngân sách giáo dục đảm bảo chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp và các hoạt động giảng dạy học tập) cho các cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học 2023 – 2024 của ngành giáo dục và đào tạo, thông tin trên Tạp chí Giáo dục.
Vừa qua trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều nguồn thông tin các phụ huynh phản ánh nhà trường lạm thu đầu năm học, như trường hợp xảy ra tại trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Để đảm bảo quyền lợi cho các bậc phụ huynh, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đã yêu cầu nhà trường hoàn trả phụ huynh những khoản tiền thu sai quy định.
Trong chiều 28/9, nhà trường đã tổ chức cuộc họp với các phụ huynh lớp 1/2, và trả lại tiền cho phụ huynh đã đóng quỹ. Ngoài ra giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể phụ huynh vì chưa thực hiện đúng quy định.
Liên quan đến sự việc, trước tình trạng có đủ quy định mà vẫn để “lọt lưới” thu chi sai quy định, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào chiều 28/9, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho hay thời gian tới, sở sẽ có những đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động này. Đồng thời, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện theo dõi, giám sát việc thực hiện của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, kịp thời xử lý nếu có vấn đề phát sinh. |
Bảo An (T/h)