Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất cho học sinh ở địa bàn cấp độ dịch 1, 2 đến trường

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Trong dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại trường học, sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1,2 sẽ cho học sinh đến trường.

Tuổi Trẻ Online đưa tin, chiều ngày 27/10. Sở GD&ĐT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại trường học trên địa bàn TP.

Theo đó, phương án mở cửa trường học trở lại sẽ thiết kế theo cấp độ dịch từng địa phương. Cụ thể, địa bàn cấp độ dịch 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy trực tiếp nhưng phải đảm bảo giãn cách, bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường không được phép tổ chức.

Các trường học ngoài công lập ở những địa bàn này nếu đảm bảo các điều kiện an toàn thì có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh, đảm bảo giãn cách, đảm bảo đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 trong ngành giáo dục do UBND TP ban hành.

Các trường đại học được tổ chức dạy trực tiếp nếu đáp ứng nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy - học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1,2 sẽ cho học sinh đến trường. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online

Trong khi đó, các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao) thì sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.

Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp, với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.

Ngoài ra, tổ chức học trực tiếp cho học sinh, học viên, sinh viên bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học lớp theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 trong ngành giáo dục do UBND TP ban hành và được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 đánh giá an toàn.

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), Tri Thức Trực Tuyến cho biết những địa phương này sẽ tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.

Giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp, đồng thời phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình. Giáo viên cũng cần có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.

Sở GD&ĐT đề xuất trong thời gian đầu, các trường mầm non chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các lớp được chia đôi số lượng học sinh và bố trí lệch buổi.

Sau mỗi tuần, phòng GD&ĐT sẽ đánh giá lại độ an toàn, các điều kiện để tham mưu UBND quận/huyện/ thành phố điều chỉnh nới rộng các điều kiện như cho tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp.

Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, các nhà trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động để phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương.

Nhằm mục tiêu chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa trường học trở lại, sở GD&ĐT đề xuất UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp trên địa bàn phù hợp với tình hình kiểm soát dịch.

Phòng GD&ĐT sẽ đảm nhận nhiệm vụ đánh giá mức độ an toàn của các trường học trên địa bàn trước khi triển khai dạy học trực tiếp.

Về phía ban giám hiệu các nhà trường, cần phối hợp với Ban Quản lý xây dựng công trình ở địa phương rà soát tiến độ bàn giao trường học được trưng dụng, có kế hoạch sửa chữa.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật