Các chuyên gia y tế cho rằng những trẻ sơ sinh có chiều cao, cân nặng "hơn người" không phải lúc nào cũng tốt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Mới đây, tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, một bé trai đủ tháng, chào đời với cân nặng 7,1kg đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Ở Việt Nam, một trẻ sơ sinh khi chào đời thường có trọng lượng cơ thể trung bình là 3,2 đến 3,5kg. Theo đánh giá của giới chuyên môn, một bé trai sơ sinh với cân nặng 7,1kg là vô cùng hiếm gặp và đây là ca sơ sinh được ghi nhận là nặng cân nhất Việt Nam cho tới thời điểm này.
Bé trai có cân nặng 7,1kg. Ảnh: báo VnExpress |
Trước đó, Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp bé sơ sinh chào đời ở tỉnh Gia Lai nặng gần 7 kg. Ngoài ra, năm 2016 từng có em bé sơ sinh nặng 6,1 kg ở Nam Định và từng có 2 bé 6,5 kg sinh ở Đà Nẵng.
Trao đổi với PV báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho hay: Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam tỷ lệ phụ nữ mang thai to có xu hướng tăng do điều kiện kinh tế phát triển, chế độ dinh dưỡng và lao động của người mẹ trong thời kỳ mang thai được cải thiện nhiều hơn.
Mặt khác, người phụ nữ được tư vấn, dịch vụ y tế cũng được đáp ứng tốt hơn, giúp cho họ thực hành chăm sóc tốt hơn trong thời kỳ thai nghén. Thai to có nhiều yếu tố thuận lợi để giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần. Tuy nhiên, "khủng" chưa hẳn đã tốt. Thai to có thể gây ra nhiều nguy cơ trong khi sinh đẻ cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Cụ thể, theo TS. Lê Anh Tuấn, các biến chứng thường gặp cho mẹ trong và sau đẻ là băng huyết, rách tầng sinh môn, vỡ tử cung, nhiễm trùng, có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, do kích thước lớn hơn thai bình thường nên các cuộc đẻ thai to thường gặp nhiều khó khăn như ngôi thai bất thường, ngôi khó lọt, trẻ dễ bị kẹt vai nếu không xử trí kịp thời, thai sẽ bị ngạt gây tử vong. Những trường hợp này hầu hết phải chỉ định mổ lấy thai.
Liên quan đến vấn đề này, báo Trí thức trẻ dẫn lời TS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, Giám đốc Phòng khám sản khoa Hoàng Gia cho biết, những bà mẹ mang thai cân nặng của con to đồng nghĩa với việc thai phụ đó cũng tăng cân rất nhiều, nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ rất cao. Thậm chí, sau sinh những bà mẹ này cũng phải theo dõi tiểu đường tuýp 2.
Nguy cơ con to những bà mẹ có tiền sử tiểu đường đó là thai lưu. Thông thường, bà mẹ và em bé khi siêu âm chỉ thấy thai to, không có bất thường nhưng mẹ thấy em bé không mấy đạp khi khám thì phát hiện thai chết lưu, đây là trường hợp bác sĩ vẫn gặp.
Đối với bản thân trẻ sơ sinh cân nặng từ 4kg trở lên, nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh rất lớn. Vì khi ở trong bụng mạch máu cung cấp cho em bé tốt, nhưng khi em bé sinh ra nhu cầu năng lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, do mới sinh nên khả năng bú của bé chưa đạt, vì thế em bé dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết và em bé suy hô hấp để lại nhiều biến chứng, thậm chí tử vong.
Theo TS.BS Vũ Thị Bắc Hà - Trưởng khoa Dinh dưỡng - BV Trung ương Huế, với những em bé sơ sinh có cân nặng lớn cần phải theo dõi sát sao cân nặng, chiều cao hàng tháng. Những trẻ này thường có vấn đề về canxi, do đó phải kiểm soát dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ nhất thiết vẫn phải bú mẹ trong 6 tháng đầu, không vì bé sinh ra to lớn mà kìm hãm năng lượng. Đến thời kỳ trẻ ăn dặm, tùy theo cân nặng, chiều cao của trẻ lúc đó để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Điều quan trọng nhất, theo TS Hà là trong quá trình mang thai, thai phụ phải kiểm soát chế độ ăn uống, luyện tập và nhất là đường huyết, không đợi đến lúc sinh con mới "quýnh" lên để lo hãm!
Nguyễn Hà (T/h)