Sau ngày miền Nam giải phóng, những tên du thủ du thực như Bạch Hải Đường bỗng chịu cảnh… thất nghiệp. Lực lượng quan chức chế độ cũ bỏ nhà vượt biên, cố vấn Mỹ về nước, thị xã Long Xuyên (An Giang) phồn hoa nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long bỗng chốc “rỗng ruột”. Cùng đường, Bạch Hải Đường đành rủ đồng bọn mang súng lên vùng Châu Đốc (giáp Campuchia) cướp tiệm vàng. Vụ “ăn hàng” thành công, cả đám về “cứ địa” ở hẻm Ba Lâu tổ chức ăn mừng thì bị lực lượng Thị đội Long Xuyên ập vào bắt giữ.
Đói ăn vụng, túng liều đi cướp
Trước năm 1975, Nguyễn Ngọc Truyện chuyên thực hiện những phi vụ đột nhập để trộm tài sản nhà giàu, quan chức chế độ cũ, chuyên gia, cố vấn nước ngoài ở vùng thị xã Long Xuyên (An Giang) và được mệnh danh là “siêu trộm”. Nguyên Đại úy Nguyễn Văn Triệu (Phó chỉ huy cảnh sát thị xã Long Xuyên) đã ra lệnh truy nã Truyện với cái tên Bạch Hải Đường thì gọi y bằng tướng cướp. Bà Bé Hai (61 tuổi, ngụ Hẻm Ba Lâu, đường Thoại Ngọc Hầu, Phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết: “Hồi trước, Truyện bị quân cảnh truy nã nhiều mà không bắt được nên người ta mới gọi là tướng cướp. Thực ra, Truyện đi cướp có một lần, ở mãi tận Châu Đốc, khi về thì bị các cán bộ cách mạng bắt hồi những năm 80”.
Theo bà Bé Hai, sau năm 1975 đất nước thống nhất, lực lượng Cách mạng tăng cường đảm bảo an ninh tại Thị xã Long Xuyên. Đứng trước tình hình đó, Bạch Hải Đường và đàn em không còn cơ hội để “làm ăn”. Thời gian này vợ con của Bạch Hải Đường cũng bỏ đi đâu không rõ. Tại hẻm Ba Lâu, Truyện thu mình thuê nhà sống với người mẹ già, cuộc sống khá chật vật. Vì quá túng bấn, cuối cùng Truyện đã phá lệ đi ăn cướp, nguyên tắc y chưa từng phạm vào trong hàng chục năm theo nghiệp trộm cắp.
Ông Phạm Thành Lợi vẫn nhớ như in lần vây bắt Bạch Hải Đường |
Năm 1980, Bạch Hải Đường quyết định thủ súng cùng đám bạn giang hồ ngược lên Châu Đốc cướp tiệm vàng. Vụ cướp thành công hơn mong đợi, thế nhưng khi về hẻm Ba Lâu ăn mừng thì y bị tóm gọn. Một thời gian, dư luận từng có những lời đồn đại “siêu trộm” gặp vận hạn vì đã tự phá lệ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu căn nguyên, chúng tôi phát hiện câu chuyện hoàn toàn khác. Việc Bạch Hải Đường bị bắt thực chất là kết quả một quá trình cán bộ Thị đội Long Xuyên theo dõi sát sao, khi nắm bắt nguồn tin gã tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.
Ông Phạm Thành Lợi (62 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Thị đội Long Xuyên thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), người trực tiếp cho Bạch Hải Đường “ăn đạn” trong đêm y ăn mừng chiến lợi phẩm tại hẻm Ba Lâu, kể lại: “Trước giải phóng, chúng tôi từng nghe tin có một tên cướp tự xưng là Bạch Hải Đường đã bị cảnh sát chế độ cũ bắn chết. Một thời gian dài sau 1975, chúng tôi không thấy tên “siêu trộm” này xuất hiện nên ban đầu cũng ngỡ tin tức nói trên là thật. Tuy nhiên, qua theo dõi những tên giang hồ còn rơi rớt, lực lượng quân đội trực thuộc tỉnh An Giang lúc đó biết Bạch Hải Đường còn sống, thậm chí còn tàng trữ trái phép nhiều vũ khí quân dụng ăn cắp được thời Mỹ - Ngụy. Tuy nhiên, việc nắm bắt chính xác hành tung của “siêu trộm” này hết sức khó khăn”.
Vào một ngày đầu năm 1980, xảy ra một vụ cướp vàng táo tợn ở vùng biên giới thuộc huyện Châu Đốc. Thông tin cho thấy đây là toán cướp liều lĩnh, dùng súng ống, chúng đã khuân nhiều vàng bạc bỏ vào bao lớn và chạy về hướng Long Xuyên. Theo mô tả của chủ tiệm vàng, toán cướp có một đối tượng rất giống Bạch Hải Đường. Từ nguồn tin mật, những đối tượng này sẽ về hẻm Ba Lâu ăn mừng, cấp trên đã giao cho ông Phạm Thành Lợi lên kế hoạch bủa lưới các đối tượng này và cuộc vây bắt thành công.
Cuộc vây bắt nghẹt thở
40 năm trôi qua, ông Phạm Thành Lợi vẫn nhớ như in lần đối mặt nghẹt thở với “siêu trộm” này. Đang trò chuyện, ông Lợi xin dừng lời đứng lên lấy ra bản hồ sơ mà ông ghi chép về sự kiện này cho chúng tôi xem. Từ lâu, ông giữ nó như một kỷ niệm ghi dấu những năm tháng công tác của mình. Ông kể, ngày 22/3/1980, từ tin cơ sở mật báo Bạch Hải Đường xuất hiện tại thị xã Long Xuyên, ông đã nhanh chóng triển khai các hoạt động vây bắt tỉ mỉ, cẩn trọng. Một mặt, ông Lợi phân công tổ công tác quân báo thị đội triển khai bám sát đối tượng, mặt khác báo cáo trực tiếp lên đồng chí Nguyễn Văn Bê (Tám Bê, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Thị đội Long Xuyên). Đồng chí Tám Bê lại báo cáo bà Mười Liêm (Bí thư thị xã ủy) và ông Năm Sương (Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) và thống nhất phá án. Sau khi nghe tình hình, ông Tám Bê đã chỉ đạo ông Lợi trao đổi tình hình vụ việc với ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng Ban quân báo tỉnh An Giang) để phối hợp thực hiện.
Hẻm Ba Lâu nơi Bạch Hải Đường bị bắt |
Ông Lợi đã cử trinh sát bám sát các đối tượng thuộc băng nhóm của Bạch Hải Đường với phương châm nếu thời cơ thuận lợi sẽ quyết định hành động ngay. Sau khi tổng hợp, phân tích tình hình, ông Tám Bê nhận được tin mật báo đến cho biết, vào chiều tối ngày 22/3/1980, tại nhà ông Cùi Chanh (thuộc hẻm Ba Lâu) sẽ diễn ra cuộc ăn mừng giữa Bạch Hải Đường và đám bạn. Lực lượng vây bắt đã phân tích tình hình hết sức kỹ càng, vì đây là tên trộm khét tiếng với mánh “tự giải vây”, nếu sơ suất sẽ khó có cơ hội bắt lần hai. Hồi đó, khu vực quanh hẻm Ba Lâu là những dãy nhà ổ chuột lụp xụp, bên dưới sông nước lầy lội, trên nhà sàn, phía sau thông ra đầm đầy lau sậy. Như vậy, nếu Bạch Hải Đường thấy động mà chạy thoát xuống sông sẽ khó bắt được. Điều nghiên xong, ông Tám Bê quyết định thống nhất lực lượng hành động gồm hai tổ. Tổ 1 do ông Lợi làm tổ tưởng cùng đồng đội là Đỗ Dũng Sỹ, Huỳnh Tấn Tùng. Tổ 2 do ông Trần Văn Be làm tổ trưởng cùng 3 đồng chí khác. Nhiệm vụ của tổ 1 là trực tiếp xông vào bắt Bạch Hải Đường, tổ 2 sẽ mai phục ở ngoài đường Thoại Ngọc Hầu. “Chúng tôi không phục kích bờ sông, vì đoán chắc Bạch Hải Đường rất đa nghi, hắn sẽ suy tính nơi nguy hiểm là an toàn nhất, tức nơi mặt đường Thoại Ngọc Hầu là nguy hiểm nhất nên sẽ chạy ra cổng để thoát thân, chúng tôi bố trí tổ 2 ở đó”, ông Lợi kể.
Giờ khắc hành động đã đến, các cán bộ đều được trang bị súng ngắn để sẵn sàng hành động. Khoảng 19h ngày 22/3/1980, Bạch Hải Đường xuất hiện tại nhà Cù Chanh như dự đoán, đồng chí Tám Bê lệnh không được để “siêu trộm” chạy thoát. Ông Lợi dẫn Tổ 1 áp sát vách nhà Cù Chanh, bất ngờ đạp cửa xông vào. Cả đám 5 tên trộm, trong đó có Bạch Hải Đường vừa nuốt dở ly rượu đã phải cứng miệng quàng tay sau gáy. Nhưng đúng lúc đó, Bạch Hải Đường nhoài người tông cửa bỏ chạy. Đồng chí Sỹ lập tức nổ súng chỉ thiên, đối tượng nhảy xuống sàn nhà kế bên. Ông Lợi liền đuổi theo chĩa súng bắn 3 phát liên tiếp trúng ngay đùi phải của Bạch Hải Đường. Mặc dù máu chảy đầm đìa nhưng “siêu trộm” vẫn chui rúc dưới sàn lầy lội rồi tiến thẳng ra phía đường Thoại Ngọc Hầu. Tại đây, tổ 2 ập vào nhưng Bạch Hải Đường đã tung cước đánh trả. Trời tối, người dân đông đúc khiến tổ 2 không dám nổ súng. Nhanh như cắt, Bạch Hải Đường biến mất vào hẻm Mừng Ký bên kia đường.
Không bỏ lỡ cơ hội, ông Lợi chỉ đạo anh em chạy bọc vòng ra sau hẻm Mừng Ký đón đầu, tổ 2 tiếp tục tiến công áp sát tạo thành thế gọng kìm. Bị dồn vào giữa, Bạch Hải Đường đã quyết đấu một phen với 2 tổ cán bộ. “Siêu trộm” và lực lượng vây bắt đã quần nhau bằng võ nghệ một trận nghẹt thở, cuối cùng Bạch Hải Đường bị khống chế. Ngay trong đêm, Bạch Hải Đường bị ông Lợi và đồng đội giải về Thị đội Long Xuyên. Người dân nghe tin đến xem chật kín, thấy Bạch Hải Đường dính đầy bùn đất, đùi bê bết máu nhưng sắc mặt vẫn lạnh tanh, đôi mắt ráo hoảnh. Sợ rằng nhà giam thị đội không giữ được chân “siêu trộm”, theo chỉ đạo của cấp trên, Bạch Hải Đường được đưa sang nhà giam của Công an thị xã Long Xuyên. “Hồi đó, chúng tôi là những lực lượng thiện chiến nhất mới được cử đi bắt hắn. Tôi cam đoan, nếu một chọi một thì tôi không bao giờ bắt được Bạch Hải Đường”, ông Lợi nhớ lại.
Kỳ tới: “Những ngày cuối đời cô độc của “siêu trộm” hết thời”
Lệ Hằng – Hàn Phong