Theo các chuyên gia, đề xuất thực hiện xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn kết nối trung tâm với khu vực phía Tây Bắc và vùng lân cận TPHCM là ý tưởng tốt về quy hoạch. Để dự án khả thi, điều đầu tiên phải bổ sung dự án vào quy hoạch giao thông của TPHCM và của cả vùng.
Để kết nối dự án với khu trung tâm, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ tận dụng quỹ đất bãi bồi ven sông, với chiều dài 63km, tốc độ xe dự kiến 100km/giờ. Như vậy, việc triển khai tuyến đường sẽ nhanh vì ít giải phóng mặt bằng, đồng thời tận dụng đất bãi bồi ven sông. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ chỉ mất khoảng 20-30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1.
Chủ đầu tư dự kiến thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng. Các doanh nghiệp BĐS sẽ phối hợp với Tập đoàn để khai thác quỹ đất nơi đây, vực dậy vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc TP.HCM.
"Trong giai đoạn đầu xây dựng ý tưởng, chúng tôi lựa chọn phương án xây dựng dự án thành trung tâm đô thị mới với dịch vụ thông minh và mong đợi được giao đủ quỹ đất, cơ chế để tương lai gần hướng đến một đô thị thông minh với tất cả các dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế", ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu cho biết thêm.
Dự án này không chỉ có ý nghĩa đường trục phía Tây Bắc thành phố, nó còn kết nối với Quốc lộ 22 và đường xuyên Á, khu vực Trảng Bom (Đồng Nai), huyện Cần Giuộc (Long An). Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là phương án tài chính khả thi cho dự án cần phải làm rõ, bởi với quy định hiện hành 90% vốn đầu tư dự án được huy động từ bên ngoài.
Được biết, theo quy định hiện nay (Nghị định 15 về đầu tư PPP), để thực hiện dự án trên theo hình thức BT, Tuần Châu phải đáp ứng tối thiểu số vốn chủ sở hữu huy động cho dự án ở mức không thấp hơn 10% tổng mức đầu tư, có nghĩa doanh nghiệp này phải đáp ứng vốn chủ sở hữu cung ứng cho dự án không dưới 6.350 tỷ đồng.
Trong văn bản cho ý kiến về dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) đại lộ ven sông Sài Gòn mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng TP.HCM cần yêu cầu Tập đoàn Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu, như chứng minh năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự cho phù hợp quy định.
Về tổng mức đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp như kết hợp giữa đại lộ với cầu vượt, nên đề nghị TP.HCM lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác của tổng mức đầu tư đề xuất.
Việc xác định quỹ đất đối ứng để thanh toán cho Tuần Châu cần đảm bảo nguyên tắc ngang giá với chi phí xây dựng công trình BT.
Bên cạnh đó, phương án tài chính dự án, theo như hồ sơ đề xuất được nhà đầu tư gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn là một trong các nội dung quan trọng.
Nhà đầu tư cần chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn, và cam kết sẵn sàng cho vay của các bên cho vay nhằm bảo đảm tính khả thi dự án.
Trong đề xuất dự án gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, Tuần Châu kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án.
Cụ thể, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện công tác GPMB, chi phí tư vấn, xây lắp và chi phí dự phòng dự án. Ước tính, tổng các chi phí này lên tới 57.568 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay của dự án ước tính 5.932 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng khi khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư. Hơn nữa, dự án đó phải do bộ, ngành, địa phương đề xuất.
Vì vậy, Bộ KH-ĐT cho rằng đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn là không đúng quy định, mặt khác việc sử dụng ngân sách đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, dự án phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên vào chiều hôm qua (16/10), ông Đào Hồng Tuyển khẳng định rằng dự án này đến nay không có bất kỳ vấn đề gì trục trặc, tập đoàn Tuần Châu sẽ quyết làm dự án này.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nghiên cứu khả thi trình các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương sẽ có một số chi tiết không phù hợp với quy định hiện hành, do vậy doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Tuyển, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu dự án được Tuần Châu thuê từ 4 quốc gia châu Âu có kinh nghiệm xây dựng những dự án quy mô khá lớn, nhưng với điều kiện quy hoạch của TP.HCM nên sau khi trình UBND TP.HCM bản thiết kế ban đầu và quá trình tham vấn ý kiến thì dự án buộc phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy hoạch.
"Chúng tôi khẳng định rằng sẽ không dừng dự án này như nhiều thông tin đang đồn đại, vấn đề là chúng ta cần có thêm thời gian để có được đề án nghiên cứu khả thi hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để trình dự án này lên Quốc hội xem xét, do quy mô vốn đầu tư lớn", ông Tuyển nói thêm.
"Chúa đảo" Tuần Châu còn tiết lộ thêm, về nguồn vốn đầu tư hiện ngân hàng LienvietPostBank đã ký cam kết hỗ trợ vốn 10.000 tỷ đồng, một ngân hàng thương mại trong nước khác cũng đã cam kết tài trợ 10.000 tỷ đồng và 4 tập đoàn hàng đầu của Mỹ cũng đã ký những văn bản hợp tác đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Đến nay đơn vị này đã hợp nhất thiết bị thi công và nhân lực của 8 công ty hàng đầu về xây dựng giao thông để xây dựng các phương án phát triển dự án trong thời gian tới.
Nguồn: Thời đại