Ngày 14/11, siêu bão Usagi với sức gió lên tới 185 km/giờ đã đổ bộ vào thị trấn Baggao, tỉnh Cagayan - Philippines. Sau khi đổ bộ, siêu bão Usagi đã suy yếu thành cấp “bão” theo phân loại của PAGASA, sức gió mạnh nhất duy trì ở mức 175 km/giờ gần tâm bão và tốc độ gió giật lên tới 240 km/giờ.
Theo Cục Quản lý thiên văn, khí quyển và địa vật lý Philippines (PAGASA), Usagi đã càn quét qua vùng Đông Bắc đảo chính Luzon, sau đó di chuyển về phía Tây Bắc và tiếp tục mang sức gió mạnh đến vùng lân cận quần đảo Babuyan.
Cơ quan khí tượng quốc gia Philippines cảnh báo gió lớn từ cơn bão có thể phá hủy hoàn toàn các công trình thiếu kiên cố, nhất là ở những khu vực ven biển. Các tòa nhà kiên cố hơn cũng có thể hứng chịu thiệt hại nặng nề khi bão đổ bộ.
Giới chức Philippines đã nâng cảnh báo về bão Usagi lên mức 5, cao nhất trong thang cảnh báo. Siêu bão này có thể gây ra mưa to đến rất to cùng những đợt sóng cao tới 3 m, đe dọa tính mạng của người dân.
Bão Usagi gây mưa to gió lớn ở TP Santa Ana, tỉnh Cagayan - Philippines hôm 14/11 Ảnh: Reuters
"Bão chồng bão. Trong lúc các cộng đồng đang nỗ lực phục hồi sau bão, lại có cơn bão khác kéo tới", Gustavo Gonzalez, điều phối viên nhân đạo Liên Hợp Quốc nói.
Usagi là cơn bão thứ 5 đổ bộ vào Philippines trong vòng 3 tuần qua. Trước đó là các cơn bão Toraji (đổ bộ ngày 11/11), Yinxing (7/11), Kong-rey (27/10) và Trami (24/10).
Theo cơ quan quản lý thiên tai của quốc gia này, riêng Usagi và Toraji đã ảnh hưởng đến hơn 300.000 người và buộc gần 27.000 người phải di dời.
Theo ông Gerry Bagtasa, chuyên gia Viện Khoa học môi trường và khí tượng thuộc Đại học Philippines, việc 5 cơn bão liên tiếp tấn công đất nước vào thời điểm này trong năm là khá hiếm và là một đặc điểm của hệ thống thời tiết La Nina.
Đến cuối tuần này, một cơn bão khác mà Philippines vừa đặt tên là Man-yi tiếp tục đe dọa nước này. Trong ngày 14/11, Man-yi cách đảo Mindanao - Philippines hơn 1.000 km về phía Đông. PAGASA dự báo nó có thể mạnh lên và đổ bộ nước này ngày 16/11.
Nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu khiến các cơn bão ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh chóng hơn và ảnh hưởng lâu hơn trên đất liền.
Đường đi dự kiến của bão Usagi. Đồ họa: CWA