(ĐSPL) - Công ty TNHH Truyền hình cáp SaigonTourist (SCTV) bị tố cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (phương thức analog) trên địa bàn Hà Nội không đúng với giấy phép đã được Bộ TT&TT cấp. Nếu SCTV bị "xử", hàng nghìn khách hàng của "nhà đài" này có nguy cơ bị "treo TV".Truyền hình trả tiền giúp người tiêu dùng có quyền lựa chọn dịch vụ đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của mình. Tuy vậy trên thực tế, có không ít “thượng đế” vô tình đã trở thành những “nạn nhân” của các “nhà đài” xuất phát từ những “chiêu trò” cạnh tranh không lành mạnh.
“Đại gia” truyền hình bị “tố” kinh doanh sai luật
Dịch vụ Truyền hình trả tiền (THTT) mới thâm nhập và phát triển trong vòng hơn 10 năm ở nước ta, nhưng đã có sự bứt phá nhanh chóng cả về số lượng và công nghệ. Ba năm trở lại đây, thị trường THTT tăng trưởng một cách mạnh mẽ, số thuê bao mỗi năm tăng từ 20 đến 25\%.
Từ một số ít doanh nghiệp lúc đầu, đến nay cả nước đã có hơn 40 doanh nghiệp, đài TH kinh doanh THTT. Năm 2013, đánh dấu việc gia nhập thị trường của một số "đại gia" như Vietel, FPT và sắp tới là VNPT.
Theo các chuyên gia, năm 2014, thị trường THTT sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chạy đua để thu hút khách hàng. Trong cuộc đua này, không thể không lường đến sự xuất hiện của hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 11/2013, một số công ty đang kinh doanh Truyền hình cáp trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên đã phát hiện việc kinh doanh không phép của TH cáp Saigontourist (SCTV). Những doanh nghiệp này đã gửi công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội, và Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội xem xét. Trong đó nêu rõ: TH Cáp Saigontourist đã cung cấp tín hiệu truyền hình Analog cho khách hàng, trong khi giấy phép số 189/GP-BTTTT của Bộ TT-TT cấp cho SCTV quy định rõ là SCTV chỉ được phép cung cấp tín hiệu TH số.
|
SCTV liên tục tổ chức các đợt tiếp thị, khuyến mãi với nhiều ưu đãi lớn tại Hà Nội (Ảnh: ictnews). |
Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền số 189/GP-BTTTT ngày 20/1/2012 do Bộ TT&TT cấp quy định, SCTV không được cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự (analog) tại 6 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắc Lắk.
Thế nhưng, theo phản ánh từ phía các đơn vị liên quan, trên thực tế SCTV đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phương thức analog cho nhiều hộ dân trên địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Việc kinh doanh theo kiểu “lách luật” này của SCTV làm ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền khác trên cùng địa bàn, vi phạm kỷ cương pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là đẩy người tiêu dùng vào tình trạng mất tiền để sử dụng dịch vụ bất hợp pháp.
Được biết, hiện tại có khá nhiều khách hàng đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ TH cáp của SCTV tại địa bàn quận Long Biên và Hai Bà Trưng rất hoang mang bởi đang sử dụng tín hiệu Analog không hợp pháp của SCTV.
Chưa hết, theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Dũng (ngõ 331 Trần Khát Chân - Hai Bà Trưng, Hà Nội), thời điểm cuối năm ngoái anh đã từng nhận 3 cuộc điện thoại thông báo nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp gia đình anh đang sử dụng sắp sửa ngừng hoạt động và yêu cầu chuyển sang sử dụng dịch vụ của SCTV, bởi tại khu vực này chỉ có dịch vụ của họ. Sau khi gia đình anh “miễn cưỡng” chuyển sang dùng dịch vụ của SCTV thì qua các phương tiện truyền thông, báo chí, anh lại được biết thông tin đơn vị truyền hình này có dấu hiệu kinh doanh lách luật.
“Nếu thời gian tới SCTV bị ảnh hưởng, không tiếp tục cung cấp dịch vụ như cam kết trên hợp đồng được nữa thì sẽ kéo theo hàng nghìn khách hàng như chúng tôi cũng phải chịu liên lụy. Viễn cảnh có thể bị “treo tivi” khiến người dân chúng tôi khá lo lắng”, anh Dũng cho hay.
Sắp có kết luận thanh tra
Được biết, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã chuyển công văn kiến nghị của các doanh nghiệp đang triển khai dịch vụ TH cáp ở quận Long Biên và Hai Bà Trưng tới Sở TT - TT Hà Nội để giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.
|
SCTV đang bị thanh tra vì bị tố cung cấp dịch vụ truyền hình analog trái phép tại Hà Nội. |
Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết, từ năm 2011 tới nay SCTV có liên kết với một đơn vị truyền hình cáp khác để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog trên một số địa bàn Hà Nội. Còn việc SCTV có cung cấp dịch vụ sai phép như tố cáo hay không phải đợi có kết luận chính thức của thanh tra.
“Việc xác minh khá phức tạp, cần nhiều thời gian, hiện nay công tác thanh kiểm tra vẫn đang được tiến hành. Khi nào có kết quả thanh tra chúng tôi sẽ công bố cho báo chí”, ông Minh nói.
Một lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (đề nghị không nêu tên) tiết lộ, Cục đã biết thông tin về việc SCTV có triển khai cung cấp dịch vụ analog, cũng như việc SCTV khuyến mãi dịch vụ analog cho các thuê bao kỹ thuật số tại Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Cục đang kiểm tra, xác minh việc thực hiện giấy phép của SCTV và dự kiến sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ TT&TT trong thời gian tới. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định: “Nếu SCTV trực tiếp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog trên địa bàn Hà Nội là vi phạm”.
Vào sáng 3/4, trong buổi làm việc với cơ quan báo chí, đại diện SCTV giải thích, SCTV đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép thiết lập mạng trên toàn quốc, nên ở đâu có hạ tầng của SCTV là ở đó có tín hiệu truyền hình (bao gồm cả analog và kỹ thuật số), do đó đương nhiên SCTV có tín hiệu analog ở địa bàn Hà Nội.
Nhưng do SCTV bị giới hạn cung cấp dịch vụ analog ở Hà Nội, cho nên hiện SCTV đang cung cấp dịch vụ analog ở một số quận, huyện dựa vào hợp đồng liên kết cung cấp dịch vụ giữa SCTV và Công ty CP Dịch vụ Truyền thanh - Truyền hình Hà Nội (BTS) ký từ ngày 6/9/2011.
Theo hợp đồng này, BTS ủy quyền cho SCTV được đầu tư 100\% mạng cáp analog và kỹ thuật số tại các khu vực Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín và Chương Mỹ.
BTS cũng ủy quyền cho SCTV trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong khu vực này. Hợp đồng giữa SCTV và BTS có thời hạn 10 năm.
Vị đại diện này cũng khẳng định: “Việc SCTV liên kết với BTS cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog là điều pháp luật không cấm”.
Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 9/2011, SCTV chưa được cung cấp dịch vụ truyền hình tại Hà Nội cho nên SCTV phải dựa vào giấy phép của BTS mở rộng ra thị trường Hà Nội. Nhưng đến tháng 1/2012, SCTV đã chính thức được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền hình trên toàn quốc (song lại bị giới hạn không được triển khai dịch vụ analog ở 6 tỉnh).
Từ đây đặt ra câu hỏi là: Việc SCTV vẫn sử dụng hợp đồng liên kết với BTS có điều khoản trái ngược với Giấy phép số 189/GP-BTTTT ngày 20/1/2012 để cung cấp dịch vụ truyền hình analog trên địa bàn Hà Nội có phù hợp với pháp luật hay không?
Và nếu việc làm này của SCTV là đúng luật, thì quy định về giới hạn phạm vi cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ TT&TT sẽ trở nên “có cũng như không”, vì doanh nghiệp như SCTV sẽ dễ dàng lách luật bằng cách liên kết với đơn vị có giấy phép khác để cung cấp dịch vụ tại các địa bàn không được phép triển khai dịch vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Phải chấn chỉnh việc thực hiện giấy phép của SCTV” Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2014 của Bộ TT&TT vào sáng ngày 4/4/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ TT&TT trong thời gian tới là phải tăng cường công tác quản lý thông tin, quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền hình. Đặc biệt, trong lĩnh vực truyền hình trả tiền phải tăng cường kiểm tra việc thực thi các quy định của giấy phép đã được cấp cho các doanh nghiệp. Đối với trường hợp Công ty Truyền hình cáp SaigonTourist (SCTV), Sở TT&TT Hà Nội đang tiến hành kiểm tra vì công ty này bị tố cáo cung cấp dịch vụ truyền hình analog trái phép ở Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, cần kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của SCTV, tránh trường hợp SCTV lợi dụng kẽ hở để cung cấp lẫn lộn giữa dịch vụ truyền hình số và truyền hình analog ở những địa bàn không được cấp phép như báo chí phản ánh trong thời gian qua.
|