Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sau vụ VN Pharma, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu hỏi: “Hoa hồng” ngành y màu gì?

(DS&PL) -

Trong lúc này, sau vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư chất lượng kém, thông điệp “hoa hồng y tế” của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, việc Công ty dược VN Pharma nhập thuốc ung thư chất lượng kém gây bức xúc trong dư luận cả nước. Bên cạnh đó, thông điệp “hoa hồng y tế” của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm...

Chia sẻ dậy sóng dư luận

Mới đây, những lời chia sẻ như tận tâm can của PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu một lần nữa khiến dư luận suy ngẫm.

Chủ đề “hoa hồng ngành Y” của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đang được nhiều người quan tâm.

TS. Nguyễn Lân Hiếu đề cập đến thông tin 7,5 tỷ đồng, rồi hàng trăm tỷ dùng để “hoa hồng cho bác sĩ”. Sau đó, ông đề cập đến muôn hình vạn trạng của hoa hồng trong ngành y tế và khẳng định: “Tôi có thể chắc chắn là những "bông hồng" lớn không thể rơi vào các nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân, vì họ không có quyền đồng ý sử dụng một lượng thuốc lớn trong bệnh viện và tôi cũng chắc chắn không một bác sĩ nào lại kê đơn thuốc mà biết là thuốc giả cho bệnh nhân vì họ thừa thông minh để hiểu hậu quả nặng nề nhất và trực tiếp nhất sẽ chính là mình khi vụ việc vỡ lở...”.

Sau khi thông điệp được đăng tải, đã có không ít ý kiến trái chiều đưa ra xung quanh vấn đề này. Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, Ths. BS. Nguyễn Hữu Tuấn (viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng chính là suy nghĩ của nhiều bác sĩ. Thực ra, hoa hồng dành cho bác sĩ không đáng kể bao nhiêu, có khi chỉ vài trăm nghìn, chứ không nhiều như người ta vẫn xì xào với nhau.

BS. Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ với PV.

Ths. BS Nguyễn Hữu Tuấn đồng tình: “Tôi đồng tình với PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, khoản hoa hồng lớn kia sẽ rơi vào chỗ khác, còn bác sĩ chắc chỉ được mẩu cành hồng mà thôi”. Về ý kiến trái chiều của dân mạng khi cho rằng, những chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu có phần bênh vực những người trong nghề là chưa thỏa đáng.

Ths. BS Tuấn nhấn mạnh: “Bất kỳ vấn đề gì cũng có chiều xuôi, chiều ngược. Đặc biệt là ngành Y, luôn có những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm. Khi có sự việc xảy ra sẽ tạo nên cơn sấm sét ý kiến, chúng tôi cũng khá quen với việc đó rồi. Ví dụ, việc tốt thì ít người ý kiến, vì đó là lẽ đương nhiên bác sĩ phải làm tốt, nhưng nếu chẳng may có tai biến thì hàng nghìn ý kiến lên án. Về 7,5 tỷ, bản thân bác sĩ họ cũng không biết là thuốc tốt hay xấu. Đúng là có một số loại thuốc chiết khấu %, nhưng nếu chúng tôi thấy không cần thiết thì chúng tôi không bao giờ kê cho bệnh nhân vô tội vạ”.

Cũng theo Ths. BS Tuấn, thực trạng hoa hồng ngành Y tế là có thật, nó không chỉ tồn tại ở Việt Nam và trên thế giới. Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Chẳng hạn, ngày tôi học ở Hàn Quốc, tôi cũng từng tham gia hội thảo, toàn các hãng đài thọ chi phí, tuy nhiên dưới hình thức sẽ đi học, tham dự hội thảo, vé máy bay, tiền phòng ở... chứ không phải bằng tiền mặt. Thực tế ở Việt Nam cũng có việc chiết khấu hoa hồng trong việc kê thuốc, tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào các bác sĩ có kê đơn hay không”.

Nói về việc nhận hoa hồng trong quá trình công tác, bác sĩ Hữu Tuấn cười: “Nói về nhận hoa hồng, tôi đã từng nhận chứ. Chẳng hạn như, mỗi lần đi hội nghị nước ngoài về, các hãng dược sẽ mời chúng tôi đến chia sẻ, giới thiệu về các kiến thức mới cập nhật tới các bệnh viện tuyến tỉnh, khi đó chúng tôi sẽ có hoa hồng. Còn khi, người ta “ép” mình kê thuốc cho bệnh nhân, nếu thuốc đó không có bằng chứng khoa học, chưa được kiểm định, tôi tuyệt đối không kê và từ chối hoa hồng. Bởi tôi có quyền từ chối, với bác sĩ chỉ luôn hướng đến việc làm sao để tốt hơn cho bệnh nhân chứ không vì cái tư lợi trước mắt."

Cũng chủ đề hoa hồng, một bác sĩ (đề nghị giấu tên, thuộc bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: “Những lời bác sĩ nói trong bài viết “Hoa hồng ngành y tế” là xuất phát từ cái tâm của anh ấy, chứ không phải là bao biện gì cả. Có thể những người đang trong ngành hoặc vì lý do nào đó, người ta nghĩ sai lệch đi”.

Nói về sự việc lùm xùm 7,5 tỷ đồng và những “bê bối” của ngành y, vị bác sĩ này trăn trở: “Ngành Y cũng là một xã hội thu nhỏ, có người tốt, kẻ xấu. Tôi không bao biện cho tất cả thầy thuốc là tốt. Ngay cả bản thân tôi cũng biết ai thực sự tốt, tâm huyết với nghề. Còn vấn đề hoa hồng trong ngành Y tế muôn hình vạn trạng”.

Chơi dao hai lưỡi đứt tay “người trong cuộc”

Trao đổi với PV về vấn đề này, bác sĩ Hương Trà (bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên) nhận định: “Nếu sự việc 7,5 tỷ đồng là có thật thì đó là thuốc lậu, hoa hồng có tồn tại thì cũng không đến tay bác sĩ, mà nó sẽ ở một nơi nào đấy không ai biết. Bởi khi, thuốc đấu thầu muốn vào bệnh viện, người ta sẽ làm việc qua rất nhiều khâu. Còn ở bệnh viện, có thuốc gì bác sĩ sẽ dùng thuốc đó mà thôi, chứ không thể tự ý kê đơn thuốc cho bệnh nhân được”.

Có thể nói, đây không phải là lần đầu vấn đề hoa hồng ngành Y được nhắc đến. Cách đây 3 năm, dư luận cả nước và quốc tế được một phen giật mình khi nghi án Bio - Rad hối lộ quan chức ngành y tế Việt Nam 2,2 triệu USD để có được các hợp đồng mua bán sản phẩm của hãng này. Theo đó, các trang thiết bị y tế của Bio-Rad được đưa vào bệnh viện theo nhiều nguồn: Viện trợ, đấu thầu từ ngân sách, nguồn vốn vay hoặc xã hội hóa. Với hình thức xã hội hóa, công ty đặt máy xét nghiệm ở bệnh viện, lợi nhuận được chia theo thỏa thuận.

Ngay sau khi thông tin được chia sẻ, bộ Y tế đã nhanh chóng yêu cầu các đơn vị báo cáo và gửi các thông tin cho bộ Công an làm rõ. Được biết, có hàng chục đơn vị thừa nhận có mua sản phẩm của công ty Bio-Rad.

Tuy nhiên, sau 3 năm câu chuyện về Bio – Rad dần chìm vào dĩ vãng. Vì thế, các chuyên gia đều cho rằng rất khó để có được kết quả số tiền vụ việc hoa hồng của VN Pharma như đã nêu trên.

Hoa hồng ngành Y tế là một vấn đề còn nhức nhối, không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Hoa hồng ấy sẽ mang lại điều gì cho ngành Y, hay nó chỉ là con dao hai lưỡi làm đứt tay “người trong cuộc”?

Chia sẻ thêm về nghề bác sĩ, vị bác sĩ giấu tên tâm sự, bản thân tôi khi nhận quà từ bệnh nhân, tôi cũng cân nhắc rất nhiều. Chẳng hạn như sau khi hoàn thành một liệu trình điều trị, bệnh nhân khỏe mạnh ra viện, họ tha thiết cảm ơn bác sĩ. Trường hợp này, tôi sẽ cân nhắc về hoàn cảnh của bệnh nhân và quyết định có nên nhận hay không.

“Nếu bệnh nhân đã lớn tuổi, gia cảnh nghèo khó, từng điều trị lâu dài, chi phí tốn kém, tôi sẽ không bao giờ nhận và tìm cách từ chối hợp lý nhất. Còn nếu, bệnh nhân có điều kiện, tôi sẽ nhận và coi như đây món quà cảm ơn của họ đối với các bác sĩ”, vị này nhấn mạnh.

Cũng theo vị bác sĩ này, “hoa hồng” từ người nhà bệnh nhân tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần, đôi khi nó gắn kết bệnh nhân và bác sĩ, nhưng trong trường hợp nào đó, nó cũng có thể tạo nên những hiểu lầm không đáng có.

Thanh Bình

Tin nổi bật