Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sau vụ máy bay rơi ở Pháp: Những “cửa ải” ngặt nghèo cho phi công

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sáng 30/3, có mặt tại Hội đồng giám định sức khỏe phi công, có khá nhiều phi công đang thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, với rất nhiều cửa ải...

(ĐSPL) - Sáng 30/3, có mặt tại Hội đồng giám định sức khỏe phi công (viện Y học Hàng không - Không quân), theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, có khá nhiều phi công đang thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, với rất nhiều cửa ải...

Không thể châm chước!

Sau sự kiện cơ phó của hãng Hàng không Đức Germanwings được cho là đâm máy bay vào dãy núi ở Pháp khiến 150 người thiệt mạng, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã thắt chặt vấn đề kiểm tra sức khỏe của phi công. Đan Mạch đã thực hiện một cuộc tổng kiểm tra sức khỏe toàn bộ phi công nước này. Nhiều nước khác cũng đã có những thay đổi lớn nhằm tăng cường sự an toàn tối đa cho ngành hàng không.

Phi công Nguyễn Văn Đức đang chờ đến lượt test sức khỏe tâm thần.

Ở Việt Nam, cục Hàng không dân dụng đã yêu cầu các hãng hàng không thực hiện quy định mới nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn chuyến bay, ví dụ như: Tăng cường kiểm soát buồng lái, quy định số người có trong buồng lái. Theo đó, ở các chặng bay trên dưới 1 giờ, thời gian tác nghiệp của tiếp viên tương đối ngắn, lượng công việc nhiều. Để khắc phục, phi công cần thực hiện các nhu cầu cá nhân trước chuyến bay để hạn chế tối đa việc rời khỏi buồng lái, trong trường hợp phi công có nhu cầu vẫn phải bố trí tiếp viên trưởng vào buồng lái theo đúng nguyên tắc hai người.

Sau sự kiện cơ phó máy bay của hãng Hàng không Đức Germanwings có tiền sử trầm cảm gây ra vụ tai nạn thảm khốc vừa qua, nhiều người đặt ra câu hỏi, quy trình giám định sức khỏe phi công nói chung và sức khỏe tâm thần của phi công hiện nay được thực hiện như thế nào?

Hội đồng giám định sức khỏe phi công, nơi các phi công phải vượt qua rất nhiều cửa ải để tiếp tục được cầm lái.

Để trả lời cho câu hỏi này, ngày 30/3, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại Hội đồng giám định sức khỏe phi công (viện Y học Hàng không - Không quân Việt Nam) - nơi được xem là cấp giấy thông hành để phi công lên trời hay ở mặt đất.

Khi biết mục đích của chúng tôi trong buổi làm việc, Thượng tá Trần Tiến (Chính ủy viện Y học Hàng không - Không quân) chia sẻ: “Dù rất muốn cung cấp thông tin chính thức cho báo chí nhưng liên quan đến phát ngôn trong quân đội phải có sự đồng ý của cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị nên chưa thể trả lời ngay được!”. Mặc dù vậy, Thượng tá Tiến - người có mấy chục năm trong nghề tuyển chọn phi công thẳng thắn cho biết: “Nếu có con người hoàn hảo, tôi nghĩ đó chính là phi công!”. Sau câu nói ấy, vị Chính ủy Viện chỉ tay xuống tầng 2, nơi hàng chục phi công đang đến khám sức khỏe định kỳ: “Cậu thấy không, ai cũng phong độ đẹp trai, không những vậy, họ còn là những người có thần kinh thép…”.

Có rất nhiều phi công đến đây để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tầng 2 là nơi làm việc của Hội đồng giám định sức khỏe phi công, đây cũng là địa chỉ quen thuộc nhưng là cửa ải không thể nào quên đối với những người đã, đang và sẽ là phi công. Khi PV có mặt, có khoảng 20 người là phi công của nhiều đơn vị quân đội, nhiều hãng máy bay trong nước và cả tiếp viên đang chờ để tiến hành các bài kiểm tra sức khỏe. Mặc dù ai cũng phong độ, rắn rỏi và nhìn “rất chất” nhưng trên khuôn mặt dường như vẫn không giấu được sự lo âu nhất định.

Phi công Nguyễn Văn Đức (Trung đoàn 917) - người có hơn 16 năm kinh nghiệm cho biết, lần này anh đến kiểm tra sức khỏe định kỳ dành cho phi công trên 35 tuổi. Theo chia sẻ của anh, đây là đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ bắt buộc, chứ không phải vì liên quan đến vụ phi công của hãng Germanwings tự sát mà các anh phải kiểm tra, giám định lại sức khỏe. Tuy vậy, không biết vụ tai nạn máy bay ở Pháp có ảnh hưởng gì không nhưng có vẻ các bài kiểm tra sức khỏe được thắt chặt hơn bình thường. Dù là kiểm tra định kỳ, nhưng mỗi phi công cũng phải mất một tuần để trải qua tất cả các bước kiểm tra sức khỏe, thậm chí còn căng hơn cả khám tuyển đầu vào. “Khám sức khỏe nghề này không có chuyện du di, châm chước mà phải thực sự”, phi công Đức nói thêm.

Chia sẻ thêm câu chuyện giám định sức khỏe định kỳ, phi công chuyên lái trực thăng Mi cho biết, mỗi năm các anh phải được giám định sức khỏe ít nhất một lần. Có khi thì bác sỹ trong Hội đồng sẽ xuống tận đơn vị để khám nhưng hầu hết các phi công đều phải trở lại đây để khám. Dù là giám định sức khỏe định kỳ nhưng mỗi lần phải mất ít nhất một tuần để vượt qua tất cả các bước, từ sức khỏe, thể lực đến tinh thần, tâm lý.

Bài kiểm tra ngặt nghèo

Hội đồng giám định sức khỏe phi công có hẳn khoa Tâm lý, khoa Thần kinh để làm việc này. “Kiểm tra thể lực chắc không vấn đề với các anh, nhưng kiểm tra về tâm lý, sức khỏe tâm thần thì thế nào vậy anh?”, tôi đặt câu hỏi. Phi công Nguyễn Văn Đức cho hay, sức khỏe tâm thần liên quan đến rất nhiều yếu tố, nên trước khi kiểm tra sức khỏe tâm thần, bác sỹ kiểm tra kỹ về răng miệng, mặt, tai, mũi, họng và những vết sẹo dù là nhỏ nhất trên cơ thể. Bởi lẽ, đôi khi chỉ là một vết sẹo nhỏ mới xuất hiện hay một cái răng vừa bị sâu cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần của phi công. “Ở trên không trung, tinh thần rất dễ bị biến động, nên một sự thay đổi nhỏ khi mình ở mặt đất, biết đâu khi ngồi trong buồng lái, chính sự thay đổi đó lại gây ra những tác động tiêu cực lên tâm lý của mình”, anh Đức phân tích.

Khoa Tâm lý, một trong những cửa ải khó khăn khi khám sức khỏe phi công.

Anh Ư. (Trung đoàn 917) - người dẫn phi công Nguyễn Văn Đức đi khám sức khỏe định kỳ nói thêm, vấn đề sức khỏe tâm thần của phi công cực kỳ quan trọng và luôn được chú trọng tuyệt đối. Ở đơn vị, các phi công được theo dõi cực kỳ sát sao, thậm chí phi công tự theo dõi lẫn nhau, nếu thấy ai có biểu hiện bất thường là phải báo cáo ngay với cấp trên. Mặt khác, người lên kế hoạch bay của đơn vị cũng ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ) với các phi công nên nếu phi công nào có biểu hiện tâm lý đều sẽ bị gạch tên khỏi kế hoạch bay của ngày, tháng ấy. Ngoài ra, các bác sỹ của đơn vị cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe tổng thể và sức khỏe tâm thần của phi công trong đơn vị.

Những phi công đang được khám sức khỏe tại đây cho biết thêm, thông thường khám sức khỏe tâm thần sẽ được các bác sỹ thực hiện cuối cùng, sau khi đã hoàn thành các bài kiểm tra sức khỏe, thể lực. Lúc này, bác sỹ sẽ test (kiểm tra) bằng những câu hỏi để kiểm tra trí nhớ, kiểm tra tâm lý của phi công. “Cụ thể, bác sỹ sẽ hỏi anh những gì để đưa ra căn cứ kết luận sức khỏe tâm thần của anh tốt?”, tôi hỏi anh Đức. “Mỗi lần test sẽ là một loạt câu hỏi khác nhau, chả lần nào giống lần nào. Có khi thì đơn giản nhưng nhiều khi cũng phức tạp. Có khi là những bảng chữ cái để kiểm tra trí nhớ”, phi công Đức bật mí.

Đang say sưa câu chuyện với PV, bỗng có tiếng vọng ra từ khoa Thần kinh, đó là tiếng cán bộ Hội đồng gọi tên anh vào để tiếp tục cửa ải khám sức khỏe. Nở một nụ cười tươi rói, anh chào tôi rồi đi nhanh vào phòng. Một tuần kiểm tra sức khỏe rất ngặt nghèo của anh cũng sắp kết thúc…

Hàng không thế giới thay đổi quy định an toàn bay

Quy tắc hai người: Sau vụ máy bay A320 của Đức đâm xuống núi Alps (Pháp), rất nhiều hãng hàng không thế giới đã ra quy định trong buồng lái luôn phải có hai người có quyền hạn thay vì một người như trước đây. Theo đó, nếu một trong hai phi công điều khiển máy bay cần phải rời buồng lái trong thời gian ngắn, một thành viên khác sẽ phải vào vị trí thay thế.

Sau Canada, tại châu Âu, quy tắc hai người trong buồng lái cũng được một loạt các hãng hàng không áp dụng như EasyJet của Anh; Icelandair của Iceland, Norwegian Air Shuttle của Na Uy, Ryanair của Ireland, Finnair của Phần Lan và Iberia của Tây Ban Nha và Air New Zealand của New Zealand...

Kiểm tra sức khỏe tâm thần phi công thường xuyên: Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) ngày 27/2 cũng đã yêu cầu các nước thành viên thường xuyên kiểm tra sức khỏe của các phi công. Trong một tuyên bố, ICAO nêu rõ trong các đợt kiểm tra sức khỏe thông thường, tất cả các phi công buộc phải trải qua các bài kiểm tra tâm lý.

Còn Đan Mạch yêu cầu đợt kiểm tra sức khỏe đột xuất về cả thể chất và tinh thần của tất cả các phi công bay đến và đi từ Đan Mạch. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vừa áp dụng hình thức cấm bay đối với những phi công đang được điều trị trầm cảm như một biện pháp phòng ngừa tạm thời.

THU HƯƠNG (dịch)

HÀ KHÊ

Xem thêm clip: Vụ máy bay rơi ở Pháp

Tin nổi bật