Theo VietNamNet, thực hiện Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023 - 2025, Hà Nội có 173 xã, phường (của 26 quận, huyện, thị xã) phải sắp xếp; 12 xã, phường thuộc diện khuyến khích sắp xếp.
Tại huyện Chương Mỹ, theo ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngày 9/4, HĐND huyện đã tán thành phương án hợp nhất xã Hồng Phong và Đồng Phú thành xã Hồng Phú; xã Hòa Chính và Phú Nam An thành xã Hòa Phú.
Theo phương án sắp xếp giai đoạn 2023-2025, Hà Nội sẽ giảm khoảng 70 xã, phường. Ảnh: VietNamNet
Theo ông Đức, sau khi sắp xếp, mọi giấy tờ của người dân (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, căn cước công dân, bằng lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) vẫn giữ nguyên giá trị. Khi người dân có nhu cầu thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới, sẽ được cấp có thẩm quyền hỗ trợ và được thực hiện miễn phí.
Tại huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện cho biết, HĐND huyện cũng vừa thống nhất phương án sáp nhập xã Dị Nậu và xã Canh Nậu thành xã Lam Sơn; sáp nhập xã Chàng Sơn và xã Thạch Xá thành xã Thạch Xá; sáp nhập xã Hữu Bằng và xã Bình Phú thành xã Quang Trung.
“Sau khi đề án đề án được Quốc hội thông qua thì mới có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân. Tuy nhiên, theo tôi, Nhà nước nên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hết sức, trong đó có việc miễn phí và đưa cán bộ xuống từng thôn giúp đỡ dân thay đổi giấy tờ tùy thân”, ông Nguyễn Mạnh Hồng nói.
Cử tri huyện Chương Mỹ xem phương án sáp nhập các xã trên địa bàn được niêm yết lấy ý kiến. Ảnh: VietNamNet
Không chỉ ở bhuyện Chương Mỹ và huyện Thạch Thất, tại huyện Mê Linh, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, việc bố trí cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp sẽ được thực hiện khoa học, hợp lý với phương châm đảm bảo tốt nhất về chế độ, chính sách cho cán bộ. Về cơ bản những người còn đủ tuổi công tác sẽ không phải đảm nhiệm chức vụ thấp hơn, một số cán bộ dôi dư được luân chuyển sang địa phương khác.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được TP Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ.
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến việc thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, thành phố đã chỉ đạo đơn vị liên quan thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.
Trước đó, theo thông tin từ VnExpress, tính đến đầu tháng 4 năm nay, 8 quận, huyện ở Hà Nội đã công bố đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023 - 2025 để lấy ý kiến nhân dân.
Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, tên đơn vị hành chính mới được xem xét dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển.