Lãi suất huy động ngân hàng rơi tự do năm 2023
Theo báo Vietnamnet, năm 2023, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động theo chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng nếu nhìn lại mặt bằng lãi suất hồi đầu năm, khó có thể ngờ giảm sâu như vậy.
Cuối năm 2022, giữa bối cảnh các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi để giải cơn “khát vốn” của doanh nghiệp, kỳ hạn từ 12 tháng phổ biến ở mức trên 10%.
Các ngân hàng thương mại, thông qua Hiệp hội ngân hàng, thống nhất khống chế lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm kể từ ngày 15/12/2022.
Sau khi giảm sâu, lãi suất huy động diễn biến thế nào trong năm 2024?
Cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục “nóng” đến đầu năm 2023. Bất chấp việc thoả thuận như trên, không ít ngân hàng mặc dù niêm yết chỉ từ 9-9,3%/năm, nhưng thực tế lại ngầm trả lãi lên tới 10,5%, thậm chí 12,5%/năm.
Thời điểm đầu năm 2023, lãi suất trần theo quy định của NHNN đối với huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng là 6%/năm. 100% các ngân hàng thương mại cổ phần đều niêm yết mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Nhóm Big4 cũng để kỳ hạn này lên đến 5,7%/năm vào quý I/2023.
Sau 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành từ tháng 3-6/2023, lãi suất tối đa theo quy định của NHNN đối với tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng là 4,75%. Hiện, không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất tối đa đối với các kỳ hạn này, chỉ phổ biến từ 3-3,8%/năm.
Thậm chí, nhóm Big4 cũng như một số ngân hàng TMCP đưa lãi suất các kỳ hạn này về dưới 3%/năm. Tại Vietcombank, kỳ hạn này về chỉ còn từ 1,9-2,2%/năm.
Với diễn biến như trên, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-6 tháng giảm bình quân khoảng từ 2,5-3%/năm trong năm 2023.
Đáng chú ý là kỳ hạn từ 6-12 tháng. Như đã nói ở trên, cơn khát tiền mặt thời điểm đầu năm 2023 khiến một số nhà băng phải “phá rào” lãi suất.
Có ngân hàng thương mại cổ phần, dù niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng từ 8,5-9,3%/năm, nhưng thực tế trả lên tới 11,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 12,5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Tới 31/12, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng còn lần lượt là 5,3-5,4%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng tại nhà băng này giảm lần lượt từ 6,2 đến 7,1%/năm. Đây là mức giảm khó ai có thể tưởng tượng nổi tại thời điểm một năm trước.
Cũng tại tháng 1/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Sacombank là 9,6%/năm và VietBank là 11%. Đến 31/12, lãi suất cùng kỳ hạn tại hai ngân hàng này lần lượt là 5% và 5,7%/năm, tương đương mức giảm lần lượt 4,6-5,3%/năm.
Lãi suất huy động diễn biến thế nào trong năm 2024?
Theo báo cáo chiến lược do Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới công bố, việc lãi suất hạ thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường. Theo đó, KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4,85% - 5,35%.
Dù vậy, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1,0%, dựa trên những luận điểm.
Thứ nhất, cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến. Do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để trong năm sau. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6% với lĩnh vực bất động sản, khu vực có tỷ trọng đóng góp cao trong tăng trưởng tín dụng, chưa thể hồi phục mạnh mẽ.
Theo đó, áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay từ phía cầu sẽ chưa lớn. KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt mức quanh 12% - 13%, thấp hơn mức bình quân 14,5% trong 10 năm qua.
Thứ hai, ngành ngân hàng ghi nhận chi phí đầu vào giảm, sau giai đoạn lãi suất huy động giảm mạnh, giúp lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm, dù không quá nhiều do (1) các ngân hàng thận trọng về nợ xấu và (2) kênh trái phiếu vẫn chưa phục hồi. Tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2023 đã khiến nợ xấu của toàn hệ thống tăng quý thứ tư liên tiếp, lên mức 2,2% (+6,9% QoQ).
Dự báo tình hình nợ xấu trong năm 2024 có thể phình to do (1) thông tư 02 hết hiệu lực và (2) bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn sẽ là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp khi thị trường trái phiếu vẫn chưa phục hồi, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cao kỷ lục lên tới gần 300 nghìn tỷ. Do đó, lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu.
Thứ ba, chính sách điều hành của NHNN vẫn theo hướng nới lỏng khi mà áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Cụ thể, với việc xu hướng giảm lạm phát đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc, 2 đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, được dự bảo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, và KBSV cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024, hỗ trợ xu hướng ổn định lạm phát của Việt Nam.
Đối với tỷ giá, việc FED đảo chiều hạ lãi suất trong năm 2024 sẽ giúp áp lực tỷ giá không còn là yếu tố đáng ngại trong năm sau. Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng NHNN có thể tiếp tục giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành và tỷ giá sẽ giảm khoảng 0,5% trong năm 2024, thông tin trên An ninh tiền tệ.
Vân Anh (T/h)