Đóng

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh cần phải làm gì?

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Sau khi biết điểm thi, thí sinh cần nhanh chóng cập nhật các mốc thời gian và quy trình quan trọng để đăng ký xét tuyển đại học và hoàn tất các thủ tục liên quan.

Sáng nay 16/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Sau khi tra cứu điểm, nếu có nhu cầu, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo bài thi bắt đầu từ nay đến hết ngày 25/7.

Theo thông tin từ Báo Người lao động, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 18/7. Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh, Hiệu trưởng trường phổ thông hoàn thành chậm nhất ngày 22/7. In và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh, hoàn thành chậm nhất ngày 22/7.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do) có nhu cầu đăng ký xét tuyển đại học nhưng chưa đăng ký thông tin cá nhân trên hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chót 20/7/2025.

Cũng bắt đầu từ hôm nay 16/7, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh cần phải làm gì? Ảnh: Báo Người lao động.

Từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Các nguyện vọng xét tuyển được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Tất cả nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào trường đại học sẽ được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển.

Có hai việc thí sinh phải thực hiện, nếu không sẽ không được xét tuyển hoặc loại khỏi danh sách trúng tuyển: đăng ký nguyện vọng xét tuyển và đóng lệ phí cho các nguyện vọng đã đăng ký. 

Từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Các thí sinh thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải phối hợp với các điểm tiếp nhận rà soát thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên của thí sinh (nếu có).

Thí sinh tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển; thí sinh chưa rõ các nội dung khai báo, nộp lệ phí xét tuyển, có thể liên hệ với cán bộ tại các điểm tiếp nhận hoặc cán bộ của CSĐT trực các số điện thoại hỗ trợ công tác tuyển sinh để được hướng dẫn.

Các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 từ 17h ngày 22/8.

Báo Dân trí cho biết, sau khi biết điểm chuẩn, tất cả thí sinh trúng tuyển (kể cả thí sinh trúng tuyển thẳng) phải xác nhận nhập học trên Hệ thống (nếu có nguyện vọng theo học) trước 17h ngày 30/8.

Từ ngày 1/9 đến tháng 12, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo thông tin tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung, thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.

Số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy tính theo các khối truyền thống gồm A00, B00, A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh), có 9 thí sinh đạt tuyệt đối 30/30 điểm ở A00 và B00.

Thủ khoa C00 và A01 là 29,75. Trong đó, thí sinh đứng đầu tổ hợp D01 cũng chính là thủ khoa A01. Thủ khoa khối D01 đạt 29 điểm.

Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên cùng có có 2 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối. Trong khi đó Phú Thọ, Bắc Ninh và Ninh Bình đều có 1 thủ khoa.

Tin nổi bật