Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sau 20 năm, "Tây du ký" vẫn khiến bao con tim "dậy sóng"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Dù đã tròn 20 năm kể từ khi phiên bản “Tây Du Ký” đầu tiên của TVB ra mắt, nhưng bộ phim kinh điển này vẫn đủ sức khiến cho hàng vạn trái tim yêu phim.

(ĐSPL) - Dù đã tròn 20 năm kể từ khi phiên bản “Tây Du Ký” đầu tiên của TVB ra mắt, nhưng bộ phim kinh điển này vẫn đủ sức khiến cho hàng vạn trái tim yêu phim TVB “dậy sóng” mỗi khi nhắc về.

Một bộ phim gắn liền với tuổi thơ

Mỗi khi nhắc đến những bộ phim đáng nhớ nhất đã từng xem, hầu như các khán giả yêu TVB đều dành một vị trí đặc biệt cho “Tây Du Ký”. Bởi lẽ, đối với họ, Tây Du Ký không đơn thuần chỉ là một bộ phim, mà nó còn là kỉ niệm gắn liền với quãng thời gian khó quên nhất trong đời - thời thơ ấu.

Tây Du Ký khiến bao con tim "dậy sóng".

Với nhiều bạn trẻ, lần đầu tiên xem bộ phim này, họ mới chỉ là những cô bé, cậu bé hồn nhiên và nghịch ngợm. Họ của thời điểm ấy, có thể vô tư xem đi xem lại một bộ phim mà không biết chán. Họ của thời điểm ấy, có thể thoả thuê hoà mình vào bộ phim, cùng khóc, cùng cười, cùng lo lắng với các nhân vật. Họ của thời điểm ấy, có thể tha hồ mơ mộng mình là Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông, tiêu diệt yêu quái, “lợi hại” nhất thế gian. Đơn giản và êm ả thế thôi, Tây Du Ký đã đồng hành cùng nhiều người qua quãng thời gian tươi đẹp đầy hoài niệm ấy, như một tri kỷ.

Có lẽ cũng chính vì điều này mà mỗi khi nhắc đến Tây Du Ký, không ít khán giả trẻ vẫn bồi hồi xúc động. Cho dù mười năm, hai mươi năm hay có bao nhiêu năm trôi qua đi nữa, cảm xúc ấy vẫn không phai nhạt. Và dù đã xem đến thuộc lòng các tình tiết trong phim nhưng mỗi năm hè về họ vẫn không ngần ngại xem đi xem lại. Xem để thưởng thức cái hay, cái ý nghĩa sâu sắc của bộ phim. Xem, như là cách để tìm về với tuổi thơ.

Một phiên bản độc đáo đầy tính nhân văn


Quyết định làm lại Tây Du Ký là một trong những quyết định táo bạo của nhà đài TVB lúc bấy giờ, khi phiên bản Tây Du Ký năm 1986 của Trung Quốc từ lâu đã được xem là “tượng đài kinh điển” không thể vượt qua. Chính vì vậy, thay vì cố sức tìm cách vượt qua một tác phẩm kinh điển hay cố sức “rập khuôn” ăn theo phiên bản cũ, TVB đã quyết định chọn một phương hướng khác, một cách thức khác để kể nên câu chuyện của riêng họ. Một câu chuyện thần thoại độc nhất vô nhị mang đậm dấu ấn TVB.

Khác với những phiên bản trước, tính cách và bối cảnh của các nhân vật trong Tây Du Ký của TVB đều được tô đậm và mang nét riêng của mình. Sư phụ Đường Tăng trở nên lý trí công bằng và có chính kiến hơn, không còn chỉ biết niệm kinh và cầu cứu đồ đệ. Nhị sư huynh Bát Giới tuy dẻo miệng háo sắc, lưu manh, nhưng vẫn khiến người xem “vừa thương vừa tội” cho mối hận tình duyên ngàn năm của mình.


Tam sư đệ Sa Tăng chân chất thật thà khi gặp nguy nan không còn chỉ biết thụ động chờ cứu mà đã chủ động góp sức trong việc giải cứu sư phụ. Đại sư huynh Tôn Ngộ Không là nhân vật có nét khác biệt nhất trong tất cả các phiên bản. Nhiều hơn sự ngang tàng ngạo nghễ, ít hơn những động tác giống khỉ, Tôn Ngộ Không phiên bản TVB vẫn tinh ranh nghịch ngợm, vẫn thích chọc phá người khác, vẫn thích đấu khẩu cùng Bát Giới nhưng mang đậm dáng dấp của một con người nhiều hơn.

Tuy rằng vẫn có những khán giả phàn nàn không chấp nhận được hình tượng đó, nhưng đa phần tỏ ra thích thú trước sự đổi mới này. Tại sao những yêu quái khác tu luyện thành tinh mang dáng vẻ tính cách giống người thì được, còn Tôn Ngộ Không lại không? Tại sao Tôn Ngộ Không không thể ra dáng là một Tề Thiên Đại Thánh vang danh thiên hạ hơn là một chú khỉ thành tinh? TVB không phủ nhận sự phá cách của mình gây tranh cãi, nhưng chí ít một Tôn Ngộ Không độc lạ thế này, khán giả chưa từng thấy trước đó.

Do đề cao tính nhân văn nên không khí chung của bộ phim khá hài hoà và ấm áp. Ngoài bốn nhân vật chính, các nhân vật phụ và yêu quái cũng được đội ngũ biên kịch TVB “thổi hồn” trở nên sinh động hơn, không còn là sự lướt qua nhạt nhoà như những phiên bản trước. Đằng sau mỗi yêu quái đều có một câu chuyện khá cảm động. Họ là những yêu quái hung ác, nhưng vẫn có tâm tư tình cảm.

Tình cảm gia đình của Ngưu Ma Vương, Thiết Phiến công chúa và Hồng hài nhi, sự hiếu thảo của Dương Tiễn cũng là một điểm nhấn đầy mới mẻ khiến nhiều khán giả thích thú.


Tình thầy trò, tình huynh đệ giữa bốn nhân vật chính cũng được chú trọng khắc hoạ hơn. Trong suốt chặng đường thỉnh kinh đầy gian nan, bốn thầy trò đã cùng nhau trải qua rất nhiều hoạn nạn. Bốn con người với bốn tính cách, lối sống khác biệt đến mức tưởng chừng không thể hòa hợp, ấy vậy mà họ vẫn có thể đồng hành vui vẻ và ngày một thấu hiểu nhau hơn. Đường Tăng không chỉ biết niệm kinh, mà còn dạy bảo đệ tử của mình những đạo lý sống. Ngộ Không và Bát Giới, từ hai kẻ đối nghịch ưa đấu khẩu với nhau, dần dần theo thời gian cũng trở nên ăn ý và học được cách bao dung đối phương hơn.

Phần dẫn chuyện ở mỗi tập phim – vốn là đặc sản của TVB – cũng phát huy rất tốt tác dụng của mình, khiến mạch phim trở nên sinh động và gần gũi hơn. Các tình tiết vui nhộn, hài hước cũng được lồng ghép khéo léo mang đến những tiếng cười dí dỏm cho khán giả. Tây Du Ký của TVB có thể được xem là dòng phim mang tính giải trí cao hơn là phim nghệ thuật chính thống, nhưng trong thâm tâm nhiều khán giả, đây chính là phiên bản ấm áp, vui nhộn và đáng yêu nhất mà họ từng được xem.

Không là phiên bản kinh điển nhất, nhưng chính là phiên bản thú vị nhất

"Tây Du Ký" đã đạt nhiều thành tích đầy ấn tượng. 

Bộ phim nhận được sự yêu thích và ủng hộ nhiệt liệt từ các em nhỏ cho đến người lớn và đặc biệt là các khán giả trẻ khắp châu Á. Những yếu tố mới mẻ thú vị của bộ phim nhận được nhiều sự tán thưởng nhất từ lớp khán giả trẻ này. Các diễn viên chính như Trương Vệ Kiện, Giang Hoa, Lê Diệu Tường, Mạch Trường Thanh cũng trở thành “gương mặt thân quen” đối với các khán giả màn ảnh nhỏ. Câu nói “Thỉnh kinh thôi mà, cần gì phải sợ” của nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim cũng trở thành câu cửa miệng của người Hồng Kông.

"Tây Du Ký" đã đạt nhiều thành tích đầy ấn tượng. Khi phát sóng tập đầu tiên tại Hồng Kông, rating bộ phim đã vượt ngưỡng 44 điểm và mãi đến 4 năm sau, thành tích này mới bị một bộ phim khác “soán ngôi”. Với rating cao ngất ngưởng (44 điểm), Tây Du Ký cũng trở thành bộ phim truyền hình có rating cao nhất trong năm 1996 tại Hồng Kông. Cũng tại Hồng Kông, bộ phim được được mệnh danh là phiên bản Tây Du Ký cải biên kinh điển nhất.

Mạnh dạn phá cách, sáng tạo dí dỏm khiến phiên bản Tây Du Ký của TVB chiếm được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả. Đối với nhiều người hâm mộ, Tây Du Ký TVB không phải là phiên bản kinh điển nhất, nhưng là phiên bản Tây Du Ký thú vị nhất. Cũng vì lẽ đó, giữa một “rừng” phiên bản Tây Du Ký khác nhau, Tây Du Ký của TVB vẫn luôn toả sáng và có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Một vị trí đặc biệt, không thể thay thế. Và có lẽ điều mà nhà đài TVB kì vọng ban đầu, cũng chỉ đến vậy.

Bộ phim "Tây Du Ký" phiên bản TVB phần 1 và 2 sẽ phát sóng trên kênh SCTV9 vào khung giờ kinh điển 18h00 từ ngày 14/07/2016.

Tiểu Quỳnh

Nguồn: Người đưa tin

Mời độc giả xem thêm video giải trí:

[mecloud]GUBYEaHCeN[/mecloud]

Tin nổi bật