Đồ chơi trẻ em, đặc biệt là đồ dùng trong nhà tắm, rồi núm bình sữa, khăn tắm... đều dễ dàng trở thành ổ chứa vi trùng nguy hại cho sức khỏe.
Dụng cụ hút mũi
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bà mẹ đang lạm dụng dụng cụ hút mũi dạng ống nhựa hoặc ống cao su để rửa mũi cho con. Hầu như bà mẹ nào đang nuôi con nhỏ cũng mua một chiếc để ở nhà phòng khi con bị sổ, nghẹt mũi có thể đem ra hút rửa mũi cho con.
Dụng cụ hút mũi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn và nấm mốc có hại. |
Phổ biến là vậy, song không phải bà mẹ nào cũng biết cách làm sạch dụng cụ hút mũi. Theo bác sĩ Tuấn, ống hút, bầu đựng dịch mũi rất khó làm sạch nếu chỉ rửa bằng nước lã thông thường. Khi ấy nó có thể trở thành ổ cho vi khuẩn cư trú, gây thêm bệnh cho trẻ. Nhiều mẹ cẩn thận hơn thì vệ sinh dụng cụ bằng nước nóng và xà phòng, song thực chất ngâm nước nóng lại càng kích thích cho vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn.
Nhiều bà mẹ luộc dụng cụ trong nước sôi. Cách này phụ thuộc rất lớn vào chất liệu của sản phẩm. Chất liệu ống nhựa hay cao su nếu không đảm bảo chất lượng thì khi luộc có thể bị biến dạng, hỏng.
Ở các bệnh viện hay cơ sở y tế, để đảm bảo phòng chống nhiễm khuẩn cho trẻ, dụng cụ hút mũi thường chỉ dùng một lần hoặc được hấp khô, tiệt khuẩn kỹ lưỡng.
Vậy nên khi bạn thấy phần ống nhựa mềm có xuất hiện những đốm đen nhỏ mà làm sạch không hết thì nên vứt đi để thay cái mới cho con mình.
Bình sữa
Khi sử dụng bình sữa, nước dùng rửa bình, pha sữa không vệ sinh; người pha sữa không rửa tay hoặc rửa không sạch, sữa cất giữ nơi không an toàn... sẽ dẫn đến bình bị nhiễm khuẩn. Kèm theo đó là núm vú nếu không được vệ sinh đúng cách thường xuyên cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Bên trong núm bình sữa (nguồn ảnh: Facebook/Penny Powell) |
Năm 2016, Hãng sản xuất đồ dùng cho mẹ và bé tại của Anh - Tommy Tippee đã buộc phải thu hồi 3,1 triệu bình sữa Sippy sau khi bị một phụ huynh cáo buộc rằng ông đã phát hiện ra bên trong núm bình sữa của con trai mình nhiễm bẩn và đầy nấm mốc.
Vị phụ huynh này cũng cảnh báo các bậc cha mẹ khác nên kiểm tra khả năng chống rò rỉ trên những bình sữa tương tự khi nhờ bạn đăng tải bức hình bụi bẩn bên trong núm bình sữa lên trang xã hội Facebook.
Công ty Tommy Tippee sau đó đã đưa ra lời xin lỗi chính thức tới bố mẹ các bé và thiết kế lại bình sữa với van đóng để có thể mở ra và làm sạch nó thường xuyên.
Nấm mốc và bụi bẩn bên trong đồ chơi trẻ em
Phần lớn đồ chơi trẻ em hiện nay đều làm bằng nhựa, cao su hoặc silicon rỗng bên trong. Đặc biệt là những đồ chơi trong phòng tắm như đàn vịt con, cá sấu... vốn được các bậc phụ huynh ưa thích hay mua cho con nhỏ.
Nấm mốc và bụi bẩn bên trong con vịt cao su đồ chơi. |
Thế nhưng gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh bên trong vẻ ngoài dễ thương ấy đang nuôi mầm rất nhiều loại vi sinh gây hại.
Sau hơn 11 tuần mô phỏng môi trường và những điều kiện tắm rửa cùng vịt cao su, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ thuỷ sản Thuỵ Sĩ kết hợp với Đại học Illinois đã cắt đôi thứ đồ chơi chết người này để soi rõ rõ hơn dưới lớp kính hiển vi.
Hình ảnh vi khuẩn sinh sôi dưới kính hiển vi điện tử của đồ chơi nhà tắm (nguồn ảnh: EAWAG). |
Kết quả nghiên cứu cho thấy trên mỗi cen-ti-mét vuông chứa tới 5 đến 75 triệu tế bào, và 80% trong đó là vô vàn vi sinh vật với khả năng gây bệnh cho con người.
Đáng chú ý có khuẩn Logionella – khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm phổi và Pseudomonas aeruginosa – trực khuẩn mủ xanh phá hủy hệ miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng đường huyết.
Thêm nữa, trẻ em được xếp vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh từ thứ đồ chơi này vì sở thích nô đùa, xịt nước chứa trong những con vịt cao su bẩn vào mặt.
Con cá sấu cao su này cũng có nhiều vi khuẩn (nguồn ảnh: EAWAG). |
Bác sĩ Frederik Hammes, một trong những tác giả của bài nghiên cứu phát biểu: “Trên các diễn đàn và blog trực tuyến, những món đồ chơi làm từ cao su đúc đang là đề tài thảo luận sôi nổi, nhưng ngược lại vẫn không nhận được mấy sự quan tâm từ giới khoa học”.
Ông cho biết thêm: “Mặc dù có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bé, nhưng nó cũng khiến nguy cơ mắc các bệnh về tai, mắt, hay thậm chí là nhiễm trùng đường tiêu hoá của bé cao hơn”.
Cha mẹ nên mua đồ chơi bằng gỗ xếp cho con để an toàn hơn. |
Khăn tắm
Một trong những thứ dễ nuôi dưỡng vi trùng ở nhà đó chính là khăn tắm. Nghiên cứu của Đại học Arizona đã phát hiện ra khăn càng ẩm ướt, đặc biệt được để trong nhà tắm là nơi sinh sản hoàn hảo cho tất cả các loại vi khuẩn.
Nấm mốc xuất hiện trên bề mặt khăn tắm. |
Một nghiên cứu mới cho thấy 90% số khăn tắm bạn sử dụng trong phòng tắm chứa vi khuẩn gây chết người. Thực tế, coliform là vi khuẩn thường thấy trong phân và loại vi khuẩn này hay được tìm thấy trong khăn tắm.
Ngoài ra, khi một số khăn tắm được gửi ngẫu nhiên đến phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy rằng 14% trong số đó có nhiễm Ecoli – một loại vi khuẩn gây viêm nhiễm.
Amena Warner, cố vấn y tế cho Allergy UK (Hội cứu tế dị ứng Anh quốc ) khuyến cáo: "Đừng bao giờ dùng chung khăn tắm với người khác, hãy đảm bảo mỗi thành viên trong gia đình đều có khăn của riêng mình, nhất là khi ai đó đang bị đau mắt đỏ hoặc nhiễm trùng da. Luôn luôn ngâm rửa khăn ở nhiệt độ 60°C trở lên ít nhất mỗi tuần một lần”.
Minh Minh (T/h)