Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sạt lở đê ở Chương Mỹ: "Lợn mang đi gửi nhờ, gà có 20 con chết 15"

(DS&PL) -

“Tối qua nước lũ lên nhanh quá, gia đình tôi mang thóc lúa và đồ đạc để lên gác xép, còn lợn phải mang đi gửi nhờ, gà có tất cả 20 con thì chết 15 con do nước ngập"

“Tối qua nước lũ lên nhanh quá, gia đình tôi mang thóc lúa và đồ đạc để lên gác xép, còn lợn phải mang đi gửi nhờ, gà có tất cả 20 con thì chết 15 con do nước ngập", một người dân ở Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ trong.

Chia sẻ với PV báo Vietnamnet, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khẳng định, đoạn đê bao Bùi 2 bị vỡ sáng 12/10, gây ảnh hưởng cho nhiều hộ dân trong xã, trong đó có gần 400 nhà ở vùng trũng bị ngập. Nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.

"Ban đầu nước dâng cao gây xói mòn chân đê, sau đó gây vỡ đê. Đoạn bị vỡ dài hơn chục mét", ông Trung cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, ở xã Nam Phương Tiến) cho biết, chị không ngờ nước lũ lại tràn về bất ngờ đến thế.

"Tôi chỉ kịp đưa được mấy bao thóc, 2 con lợn lên cao. Tối qua nước dâng cao đến tận giường, tôi phải rất vất vả mới kê được giường lên để ngủ".

Người dân phải kết bè để cứu lợn. Ảnh: Vietnamnet

Anh Hoàng Văn Huy (Xã Nam Phương Tiến) cho hay: "Ngót chục năm nay lũ mới ‘hồi hương’ về nơi đây. Từ tối giờ nước ngập trắng làng, người dân kéo nhau chạy lũ. Mấy trăm con gà ở nhà tôi chỉ cứu được vài chục con".

Ôm đồ đi di tàn vì nhà ngập, anh Lê Văn Tình (44 tuổi, trú thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ) cho biết,  tối 11/10 nước lũ bắt đầu dâng nhanh khiến vợ chồng anh vội vã ôm đồ đạc ra ngoài. Đến sáng và trưa 12/10, nước lũ dâng cao hơn 1m khiến gia đình anh phải di tán đi nơi ở khác. 3 người sơ tán bên nhà bà ngoại, vợ chồng anh ở lại để trông đồ đạc.

Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Chuyển (60 tuổi, xã Tân Tiến), vì nước ngập nên đã phải di tản lên đường làng.

“Tối qua nước lũ lên nhanh quá, gia đình tôi mang thóc lúa và đồ đạc để lên gác xép, còn lợn phải mang đi gửi nhờ, gà có tất cả 20 con thì chết 15 con do nước ngập. Các con cháu cũng phải đi lánh nạn”, bà Chuyển nói.

Bà Chuyển cho biết, đêm 12/10, vợ chồng bà sẽ phải ngủ ngoài đường.

“Tôi mong nước sớm rút chứ không thể ở mãi trên lề đường này được. Tối nằm vạ vật không tài nào chợp mắt”, bà Chuyển nói.

Theo báo VnExpress, anh Vương Văn Phương (35 tuổi, xã Hoàng Văn Thụ) kể lại, vào khoảng 19h ngày 11/10, gia đình anh đang ăn cơm thì thấy nước tràn qua con đê Hữu Bùi 2 ngay trước nhà. Ngay lập tức vợ chồng anh vội vàng đưa con đi di tản và dọn tài sản. Sau đó, không lâu, thì loa trong xã phát báo động kêu gọi người dân di tản. Một đoạn đê Hữu Bùi 2 bị vỡ sạt khoảng 15 m. Hàng trăm thanh niên được huy động đưa người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến có mặt cố gắng cứu đoạn đê nhưng bất thành. Nước mỗi lúc một mạnh, các hộ dân hoảng loạn chạy đồ đạc trong nhà.

Khoảng 400 ngôi nhà ở vùng trũng bị ngập. Ảnh: Dân Việt

Nhưng những trang trại thủy sản, cánh đồng hoa màu thì không ai kịp chạy. Toàn bộ khu nuôi trồng được đầu tư hàng trăm triệu đồng của gia đình anh Phương bị nước bao trùm. "Nước tràn đê quá nhanh, chúng tôi mất trắng rồi", anh Phương thở dài. Đứng cạnh chồng, vợ anh Phương ủ rũ nhắc lại: “Mất trắng rồi”.

Chủ tịch huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, trên toàn huyện khoảng  92 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch và 125 ha thuỷ sản bị ngập, 840 ha cây vụ đông hư hỏng. Mưa lũ còn làm chết gần 180 con gia súc và 9.700 con gia cầm.

Đê Hữu Bùi có tổng chiều dài 12km đi qua nhiều xã của huyện Chương Mỹ, được UBND TP Hà Nội đầu tư 120 tỷ đồng. Đoạn đê gặp sự cố dài khoảng 3km nối hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến. Đê bị vỡ do nước từ thượng nguồn Hòa Bình đổ về quá mạnh sau những ngày mưa lũ vừa qua.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật