Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sắp xử phúc thẩm kẻ giết người khiến ông Nén ngồi tù oan 17 năm

(DS&PL) -

Ngày 20/2 tới đây, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử lưu động tại Bình Thuận vụ án giết người, cướp tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thọ.

Ngày 20/2 tới đây, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử lưu động tại Bình Thuận vụ án giết người, cướp tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thọ.

Theo tin tức đăng tải trên báo Dân trí, ngày 20/2, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử lưu động tại Bình Thuận vụ án giết người, cướp tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thọ (42 tuổi, tại Bình Thuận). Thọ đã bị HĐXX tại phiên sơ thẩm xác định là hung thủ giết người khiến ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan hơn 17 năm.

Trước đó, giữa tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Thuận đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Thọ 20 năm tù về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hình phạt bị cáo Thọ phải chấp nhận là 20 năm tù; đồng thời, buộc bị cáo Thọ bồi thường 124 triệu đồng tổn thất tinh thần và mai táng phí cho đại diện gia đình bị hại. Còn về Hồ Thanh Việt, do qua đời đã lâu và ngoài lời khai của bị cáo không có căn cứ nào khác nên HĐXX không cho rằng không có căn cứ để xem xét.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, gia đình bị hại đã kháng cáo toàn bộ bản án. Theo bà Phạm Thị Hồng, người đại diện hợp pháp gia đình bị hại, gia đình kháng cáo theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Thọ cũng như tăng mức tiền bồi thường. Đồng thời, yêu cầu TAND cấp cao làm rõ vai trò của Hồ Thanh Việt trong vụ án này.

Bị cáo Nguyễn Thọ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm - Ảnh: báo Dân trí

Người con gái khác của nạn nhân, bà Phạm Thị Hường cũng nói, mức án 20 năm tù chưa tương xứng với hành vi mà Nguyễn Thọ gây ra cho gia đình bà, với nỗi đau kéo dài dai dẳng từ năm 1998 đến nay.

Còn theo luật sư Hồ Sơn Hà, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại, bị cáo Nguyễn Thọ không có một tình tiết giảm nhẹ nào được quy định tại điểm h, khoản 1, khoản 2, điều 38 BLHS năm 1985 (người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải) mà HĐXX đã áp dụng để xử nhẹ cho bị cáo.

Trước đó, báo Tri thức trực tuyến đã thông tin về vụ án, ngày 23/5/1998, Thọ ăn nhậu cùng Hồ Thanh Việt (ngụ cùng địa phương) rồi vạch kế hoạch cướp dây chuyền con gái bà Bông. Sau đó, họ chuẩn bị dây dù với ý định trói nạn nhân. Tuy nhiên, sợ lộ nên cả hai chuyển qua kế hoạch trộm đầu đọc băng.

Rạng sáng 24/5/1998, hai thanh niên đột nhập nhà bà Bông, cạy tủ trộm tài sản thì bị chủ nhà phát hiện. Lúc này, cả hai khống chế người phụ nữ, dùng dây siết cổ làm nạn nhân tử vong. Trước khi rời khỏi hiện trường, họ lột nhẫn vàng của bà này.  

Sau khi giết người, Thọ và Việt đến nhà bạn là Nguyễn Phúc Thành (sống cùng thôn) rồi khoe chiếc nhẫn vàng vừa lấy được.

Gần một tháng sau khi xảy ra vụ việc, Huỳnh Văn Nén (lúc này 36 tuổi, ngụ cùng địa phương) bị Công an tỉnh Bình Thuận bắt vì cho rằng ông là hung thủ giết người. Về phần Thọ, gây án xong anh ta bán nhẫn vàng cướp được rồi thay tên đổi họ, bỏ đi nơi khác sống. Còn Việt bị bệnh nặng và qua đời năm 2001.

Trong khi đó, Nguyễn Phúc Thành (người gọi ông Nén bằng dượng và cũng là bạn của Thọ) dính vào vụ án khác và bị tuyên phạt 18 tháng tù. Trong thời gian thụ án, anh ta nghe tin ông Nén bị kết án chung thân vì liên quan vụ sát hại bà Bông. Biết dượng bị oan, Thành làm đơn tố cáo Thọ và Việt.

Từ tố cáo của Thành, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận lật lại vụ án và xác định Thọ là nghi can. Biết không thể trốn tội nên Nguyễn Thọ đã đầu thú.

Cuối tháng 11/2015, sau 17 năm ngồi tù oan, ông Nén đã được trả tự do. Ngày 3/12/2015, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận liên quan đế vụ án đã xin lỗi công khai ông Nén tại địa phương. 

Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a)  Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng  hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g)  Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h)  Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i)  Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k)  Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết  người thuê;

n)  Có tính chất côn đồ;

o)  Có tổ chức;

p)  Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật