Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Sang tay" 100% gói thầu cao tốc 1.300 tỷ đồng: Có dấu hiệu vi phạm?

(DS&PL) -

Việc nhà thầu chính Hàn Quốc đã "sang tay" gói thầu A5 cho 17 nhà thầu phụ Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là có dấu hiệu vi phạm.

Việc nhà thầu chính Hàn Quốc đã "sang tay" 100% hạng mục công việc gói thầu A5 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho 17 nhà thầu phụ Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là có dấu hiệu vi phạm.

Những tình tiết cần làm rõ

Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, biên bản của đoàn thanh tra bộ GTVT ngày 12/4/2017 đối với công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (Posco - Hàn Quốc) về việc thực hiện gói thầu A5 thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chỉ ra rằng, sau khi ký kết hợp đồng kinh tế với công ty Đầu tư Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư), công ty Posco đã nhanh chóng ký các hợp đồng với 17 nhà thầu phụ thực hiện 100% phần việc của gói thầu này.

[presscloud]4889[/presscloud]

Biên bản thanh tra còn nêu rõ, trong việc "sang nhượng" này, có rất nhiều hợp đồng giữa công ty Posco với các nhà thầu phụ có giá trị trên 50 tỷ đồng, nhiều trường hợp không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp nhận, có trường hợp thì không báo cáo chủ đầu tư, lại có trường hợp nhà thầu phụ không đủ năng lực...

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên tục vướng phải những lình xình không đáng có.

Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, công ty Luật FDVN Đà Nẵng cho biết, tại Khoản 35, Điều 4 và Khoản 36 Luật Đấu thầu 2013; khoản 3 Điều 4 Nghị định 37/2015 hướng dẫn Hợp đồng xây dựng; khoản 2 Điều 128 Nghị định 63/2014 thì nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.

Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh. Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì pháp luật cho phép nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ để thi công, thực hiện một phần công việc trong gói thầu.

Ở đây có 2 mối quan hệ và trách nhiệm riêng biệt liên quan đến việc thi công gói thầu A5. Mối quan hệ đầu tiên là giữa nhà thầu chính (công ty Posco) phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác khi thực hiện việc thi công gói thầu A5 với chủ đầu tư (VEC).

Mối quan hệ thứ 2 là giữa các nhà thầu phụ với nhà thầu chính. Theo điểm d, khoản 1, Thông tư 09/2016 hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình thì mặc dù có 2 mối quan hệ chính khi thực hiện gói thầu A5, nhưng có 1 trách nhiệm xuyên suốt là công ty Posco phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với VEC về các công việc mà nhà thầu phụ đã thực hiện.

Vị chuyên gia pháp lý cũng cho biết thêm rằng, việc lựa chọn nhà thầu phụ cũng phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư.

Ngoài ra, luật pháp cũng lường trước được các hành vi lợi dụng ký kết giữa nhà thầu chính với các nhà thầu khác nhằm chuyển nhượng thầu để trục lợi, đó là quy định tại khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 về các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Cụ thể:

“Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.”

Như vậy, trường hợp nhà thầu chính chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng sẽ được coi là vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu”.

Gói thầu A5 thì bị "sang nhượng" cho 17 nhà thầu phụ. Gói thầu số 4 và số 6 thì xảy ra hư hỏng.

Bên cạnh đó, tại mục 3 CDNT kèm theo Thông tư 03/2015 của bộ Kế hoạch và đầu tư Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp thì có quy định thêm một hành vi “chuyển nhượng thầu” đó là trong hồ sơ dự thầu, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể, hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu. Trong trường hợp này, nếu nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ, nhà thầu chính sẽ được coi là vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu”.

"Nói chung nhà thầu chính có quyền lựa chọn nhà thầu phụ để thực hiện một số công việc trong gói thầu, nhưng việc lựa chọn nhà thầu phụ phải có ý kiến của chủ đầu tư. Ở đây VEC cũng cần nhìn nhận lại công tác đấu thầu để lựa chọn một nhà thầu có đầy đủ khả năng về tài chính, kỹ thuật cũng như chuyên môn trong thi công công trình.

Qua sự việc của công ty Posco, thì đã thấy xuất hiện một trường hợp nhà thầu chính không thực hiện thi công công trình nhưng lại đang hưởng lợi chênh lệch từ các công việc thực hiện của nhà thầu phụ đáng lẽ thuộc trách nhiệm thực hiện của mình. Về sau nếu lỡ phát sinh sự cố pháp lý gì đó cũng sẽ xảy ra tình trạng nhùng nhằng trách nhiệm giữa các bên", chuyên gia Việt nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một chuyên gia khác về xây dựng ở miền Trung cho biết, hiện cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang khiến dư luận chú ý, băn khoăn về chất lượng công trình sau loạt hư hỏng mà báo chí phản ánh. Riêng việc "sang nhượng" 100% phần việc ở gói thầu A5 này, vị chuyên gia rằng, nhà thầu chính muốn thêm nhà thầu phụ phải có sự thống nhất của chủ đầu tư, của tư vấn giám sát.

Trong khi đó, trả lời trên một số tờ báo TS. Nguyễn Thế Vinh, Trưởng khoa Đấu thầu, học viện Chính sách và Phát triển cho biết, hiện nay các quy định của Việt Nam chưa cho phép bất cứ một đơn vị nhà thầu chính nào được bán 100% gói thầu cho các nhà thầu phụ. Nếu để xảy hiện tượng này thì cần đánh giá trách nhiệm thuộc về sự giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát.

Gói thầu A5 thuộc nguồn vốn WB - dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi- nằm từ Km 124+700-Km139+204 (địa phận hành chính tỉnh Quảng Ngãi) được tổng công ty Đầu tư Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) phê duyệt tại Quyết định số 402/QĐ-VEC năm 2013. Gói thầu do công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc) thực hiện với giá trị hơn 1.300 tỷ đồng.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật