Theo báo Dân trí, sáng nay (27/12), Tòa án quân sự Thủ đô mở phiên xét xử 4 cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y cùng 3 người khác vì tiếp tay cho Công ty Việt Á, phần do quân đội giải quyết.
Bào chữa cho các bị cáo có hơn 10 luật sư.
Tòa án cũng triệu tập bị hại là Học viện Quân y; bị đơn dân sự là Công ty Việt Á cùng nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...
Ông Hồ Anh Sơn (phải) và Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt trong cuộc họp công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit test, tháng 3/2020. Ảnh: VnExpress
Trong các bị cáo hầu tòa, có 2 người bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, là Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học Công nghệ) và cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
3 cựu sĩ quan Học viện Quân y bị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng gồm: cựu Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư; cựu Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tài chính; cựu Thiếu tá Lê Trường Minh, cựu Trưởng ban Hóa dược.
Bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo báo VnExpress, cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương nêu, đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất được phát triển kit test xét nghiệm trong đề tài nghiên cứu có tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng. Đề tài sau đó được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) triển khai; ông Sơn là chủ nhiệm. Công ty Việt Á cùng tham gia với tư cách là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo, theo yêu cầu từ vụ phó Hùng.
Quá trình nghiên cứu, ông Hùng, Sơn và Việt cho rằng kit test của Việt Á tốt hơn nên thống nhất không cần Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu mà để Việt Á tự sản xuất 20.000 sản phẩm.
Ba bị can đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) để thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu đề tài.
Theo VKS, do Hội đồng nghiệm thu không biết hành vi gian dối của ba người này, cũng không biết quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không liên quan bộ kit Việt Á nộp nghiệm thu. Hậu quả, quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và đề tài của Học viện Quân y không hoàn thành.
Tổng giám đốc Việt bị cáo buộc tiếp tục sử dụng kết quả nghiệm thu này để gian dối trong làm thủ tục, sau đó được Bộ Y tế ra quyết định cấp phép lưu hành.
VKS xác định, hành vi gian dối của 3 bị can Hùng, Sơn, Việt đã gây thiệt hại 18,5 tỷ đồng - khoản tiền giao Học viện Quân y làm đề tài. Ông Hùng bị cáo buộc nhận "lót tay" 350.000 USD từ Việt Á, ông Sơn nhận 2,5 tỷ đồng.
Ông Sơn còn bị cáo buộc mua, bán tăm bông, ống môi trường ở bên ngoài, dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự/Học viện Quân y và cung cấp cho Công ty Việt Á, thu lợi 2 tỷ đồng.
Ba cựu sĩ quan quân y còn lại, giai đoạn tháng 5-12/2021, khi Học viện quân y tổ chức các trung tâm xét nghiệm dã chiến tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP HCM, đã xin Việt Á ứng trước vật tư. Họ bị cáo buộc hợp thức hóa hồ sơ bằng đấu thầu, qua đó thanh toán cho Việt Á chênh 27 tỷ đồng so với giá trị thực.
Sau mỗi lần, các cựu sĩ quan này đều được Việt Á "lại quả", tổng từ 1,1 đến 3,6 tỷ đồng, VKS cho hay.
Vân Anh (T/h)