Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Saigon Co.op làm ăn ra sao dưới thời ông Diệp Dũng?

(DS&PL) -

Dư luận cũng quan tâm tới việc Saigon Co.op làm ăn ra sao dưới thời ông Diệp Dũng nắm quyền.

Thông tin ông Diệp Dũng có đơn gửi UBND TP.HCM xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op gây xôn xao dư luận mấy ngày nay. Bên cạnh đó, dư luận cũng quan tâm tới việc Saigon Co.op làm ăn ra sao dưới thời ông Diệp Dũng?

Ông Diệp Dũng- Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Ảnh: VietNamNet

Saigon Co.op được thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố.

Năm 1998, Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM với 20 hợp tác xã thành viên. Vốn của Saigon Co.op được hình thành từ 2 nguồn là: Nhà nước hỗ trợ và vốn góp của HTX thành viên.

Ban chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op là Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn thường xuyên của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy TP.HCM.

Tháng 8/2015, ông Diệp Dũng được Thành ủy chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op và được bầu làm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong khoảng thời gian này, mặc dù hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn vẫn lỗ triền miên thì công ty mẹ Saigon Co.op vẫn duy trì được mức lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cụ thể, năm 2015 Saigon Co.op đạt 100% kế hoạch, với doanh thu vượt mức 25.000 tỷ đồng, nộp thuế đạt 100% kế hoạch đề ra, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 7% đến 11%.

Năm 2016, tổng doanh số của công ty tăng 11% so với năm 2015, đạt gần 105% so với kế hoạch. Số liệu không được chia sẻ tuyệt đối, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng, doanh số của công ty năm 2016 rơi vào khoảng 27.800 tỷ đồng.

Trong năm 2017, doanh số Saigon Co.op đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 7% so với 2016, còn lợi nhuận đạt 100% kế hoạch đề ra. Mô hình Co.opextra, Co.opfood, siêu thị Co.opmart đều có sự tăng trưởng và doanh thu ổn định.

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM công bố doanh thu năm 2018 đạt hơn 30.000 tỷ đồng, gấp hơn 30.000 lần so với thời điểm mới thành lập năm 1989.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh năm 2020, Saigon Co.op công bố doanh số năm 2019 đạt mức hơn 35.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm (tăng hơn 3.000 tỷ đồng), tăng 9,4% so với năm 2018.

Năm 2020, Saigon Co.op đặt kế hoạch kinh doanh tăng 10%, đạt 38.900 tỷ đồng; Phát triển mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư tại tất cả các mô hình bán lẻ. Phấn đấu phát triển hơn 200 điểm bán mới, vượt mốc 1.000 điểm bán vào cuối năm 2020 và là đơn vị bán lẻ thuần Việt có nhiều nhất các mô hình bán lẻ hiện đại nhất Việt Nam.

Trước đó, tháng 7/2020, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận các sai phạm tại Saigon Co.op, trong đó có đề cập về nguồn vốn góp và tham gia góp vốn không bình thường, có dấu hiệu thâu tóm tại Saigon Co.op.

Việc tăng vốn điều lệ và huy động vốn từ các HTX thành viên của Sài Gòn Co.op qua các năm 2014, 2015 và 2020 cũng được Thanh tra TP chỉ ra với những sai sót khó hiểu.

Cụ thể, năm 2014, Sài Gòn Co.op tăng vốn điều lệ lên 2.400 tỷ đồng. Nội dung tăng vốn điều lệ không được thể hiện tại biên bản Đại hội đồng thành viên và nhiệm kỳ 2014 – 2019. Tuy nhiên, tại nghị quyết của Đại hội đồng thành viên lại có nội dung này.

Lần tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng vào năm 2015 cũng được Hội đồng quản trị Sài Gòn Co.op thống nhất nhưng nội dung này lại không được trình và thông qua tại Đại hội đồng thành viên.

Đầu năm 2020, Saigon Co.op tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng theo phương án huy động vốn từ các thành viên. Có 20 hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng.

Kiểm tra kết quả hoạt động kinh doanh của một số HTX, Thanh tra TP thấy có dấu hiệu bất thường khi nhiều HTX có lợi nhuận sau thuế cao nhưng lại không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các HTX có lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thậm chí lỗ lại tham gia góp vốn hàng trăm tỷ đồng.

Nếu không làm rõ nguồn vốn tăng lên thì Sài Gòn Co.op sẽ bị chi phối bởi các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Sài Gòn Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay.

Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM cũng đã tiếp nhận hồ sơ có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op nhằm làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cá nhân liên quan để xử lý theo quy định.

Tháng 8/2020, ông Diệp Dũng đã gửi đơn đến Thường trực Thành ủy TP.HCM xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Theo đơn xin từ nhiệm, ông Dũng cho rằng mặc dù 5 năm qua (2015 - 2020) kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả thực hiện vai trò công cụ điều tiết an sinh xã hội, bình ổn giá của TP đạt tương đối tốt; tuy nhiên ông Dũng thấy rằng mình chưa hoàn thành trách nhiệm của một người đứng đầu Saigon Co.op được tổ chức giao phó, đặc biệt là đối với việc tăng vốn điều lệ, dẫn đến hàng loạt vấn đề không hay xảy ra vừa qua; chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đoàn kết và lãnh đạo tập thể Ban Chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op.

Trước đó vào cuối tháng 7/2020, Thành ủy TP.HCM đã triển khai quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Diệp Dũng, đồng thời đình chỉ các vai trò Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Đảng ủy của ông Dũng tại Đảng bộ Saigon Co.op.

Thông tin trên báo Thanh Niên, một lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM cho biết đơn xin từ nhiệm được ông Diệp Dũng gửi đến Thường trực Thành ủy TP.HCM và Thường trực UBND TP.HCM.

Thường trực Thành ủy giao cho Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu, tham mưu hướng xử lý. Ban Tổ chức Thành ủy đang phối hợp các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý cụ thể.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật