Ông Lang và ông Hà có nhiều điểm khá tương đồng: cùng làm BIDV, cùng họ Trần, cùng đi lên từ mảnh đất nắng gió Bình Định... và cùng có tên trong kết luận của UBKTTƯ.
Từ ngày 28 đến 30/5, tại Hà Nội, ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã họp kỳ 26. Tại kỳ họp này, UBKTTƯ đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có vi phạm của ban Thường vụ Đảng ủy ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo đó, ngoài kết luận ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, UBKTTƯ còn chỉ ra hai Phó Tổng giám đốc của BIDV cũng có trách nhiệm để xảy ra sai phạm.
Ông Trần Lục Lang và ông Trần Bắc Hà. |
Ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và ông Trần Lục Lang, ủy viên ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Theo tờ Tri Thức Trẻ, ông Trần Lục Lang sinh ngày 21/6/1967, nguyên quán tại Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định, là đồng hương của cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, có trình độ cử nhân kinh tế.
Từ năm 1991, ông Trần Lục Lang làm việc tại BIDV với các chức vụ như: Phó Giám đốc chi nhánh BIDV Bình Định, Quyền Giám đốc/Giám đốc chi nhánh BIDV Phú Tài.
Cụ thể, từ 21/01/2002 đến 14/07/2006: Phó Giám đốc BIDV – chi nhánh Bình Định. Từ 14/07/2006 đến 30/09/2006 làm Quyền Giám đốc BIDV – chi nhánh Phú Tài. Sau đó, ông chính thức lên làm Giám đốc chi nhánh Phú Tài cho đến 31/5/2011.
Từ 01/06/2011 đến 30/04/2012 ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc BIDV và đảm nhiệm chức vụ này đến nay.
Ngày 15/8/2016, tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) đã nhận được công văn số 11248/BTC-QLBH của bộ Tài chính về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT BIC. Bộ Tài chính đã đồng ý chấp thuận cho ông Trần Lục Lang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIC thay cho ông Phạm Quang Tùng.
Theo giới thiệu của BIC thì ông Trần Lục Lang còn đang là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB), Chủ tịch HĐQT công ty liên doanh Bảo hiểm Lào – Việt (LVI), Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần phát triển đô thị Sen Vàng.
Tờ Viettimes đưa tin thêm, nhiều cán bộ BIDV đánh giá ông Trần Lục Lang là người “nhiệt tình, năng nổ”, luôn có mặt tại mọi “điểm nóng” khi cần và là cánh tay đắc lực của ông Trần Bắc Hà.
Ít xuất hiện trước báo chí, nên ông Lang chỉ được dư luận biết đến nhiều hơn khi vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) được xét xử.
Tại vụ án này, HĐXX đã triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2013, do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Phạm Công Danh đã đến gặp ông Sáng đặt vấn đề về việc “giới thiệu khách hàng của VNCB” sang vay tại BIDV, nếu những khách hàng này không đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình thế chấp.
Sau khi được lãnh đạo BIDV chấp thuận, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty chuẩn bị hồ sơ, đề nghị vay 4.700 tỷ đồng.
Ông Sáng được xác định là người đã đồng ý và xin chủ trương Phó Tổng Giám đốc Trần Lục Lang và Tổng giám đốc, ủy quyền cho GĐ chi nhánh các nội dung và điều kiện cấp tín dụng.
Ông Lang – dưới cương vị là Phó Tổng Giám đốc đã không trình Tổng Giám đốc, mà tự ý trình ủy ban Quản lý rủi ro BIDV đề nghị xem xét và phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền.
Ủy ban kiểm tra rủi ro BIDV đã không họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro thuộc ủy ban Quản lý rủi ro, sau đó tổng hợp ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà – với tư cách là Trưởng ban - ký phê duyệt.
Cơ quan điều tra xác định, ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng đã ký tờ trình phê duyệt cho vay vốn, song không đủ căn cứ xác định những người này liên quan đến Phạm Công Danh, nên không xử lý hình sự. Cơ quan điều tra đã kiến nghị kiểm điểm, xử lý những người này.
Tuy nhiên, tại tòa, VKS đã đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ hành vi những người này. Sau đó, vụ án đã được HĐXX tuyên trả hồ sơ và điều tra bổ sung thêm để xem xét đánh giá khách quan, toàn diện vụ án nhằm xử “đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm”.
Trước đó, cổng thông tin điện tử của UBKTTƯ công bố, từ ngày 28 đến 30/5, tại Hà Nội UBKTTƯ đã họp kỳ 26 và kết luận một số một số vụ việc, trong đó có vi phạm của ban Thường vụ Đảng ủy BIDV.
Kết luận nêu rõ:
1- Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động ngân hàng BIDV.
2- Đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng.
3- Đồng chí Đoàn Ánh Sáng, nguyên ủy viên ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và đồng chí Trần Lục Lang, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng.
Những vi phạm của đồng chí Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các đồng chí Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Các đồng chí khác trong ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đến mức phải kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý theo quy định của Đảng.
Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm của ngân hàng BIDV nêu trên có trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước Việt Nam. UBKTTƯ yêu cầu ban Cán sự Đảng ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm của BIDV; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.
Theo Người Đưa Tin