Được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, thế nhưng qua hai năm triển khai, nhiều hạng mục công trình phúc lợi công cộng tại xã Tây Tựu, Từ Liêm (Hà Nội) không bảo đảm chất lượng.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Từ Liêm đã kiểm tra, kết luận và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật "khiển trách" đối với cán bộ xã có vi phạm. Tuy nhiên, tiếp xúc với phóng viên Báo Hànộimới, người dân vẫn cho rằng: "Thi công bớt xén, công trình xây dựng không bảo đảm chất lượng thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm làm lại chứ không chỉ là chuyện xử lý cán bộ và xử phạt hành chính nhà thầu"...
Phát hiện bớt xén vẫn thi công suôn sẻ
Sáng 24/3, chúng tôi về xã Tây Tựu xác minh thông tin bạn đọc cung cấp. Không hân hoan cũng chẳng tự hào vì mình là công dân của một xã điểm về mô hình nông thôn mới, trái lại nhiều người dân không ngớt lời phàn nàn về chất lượng các công trình phúc lợi công cộng mới được xây trên địa bàn xã.
Ông Chu Văn Nguyên, một người dân ở thôn Thượng cho biết: Trước kia, ao Gồ được hợp tác xã thuê để thả cá. Ao chưa được kè, đường đất xung quanh sụt lở rất nguy hiểm. Thế rồi, khi hay tin UBND xã Tây Tựu sẽ cho nạo vét, kè đá và xây tường bao quanh ao, người dân mừng lắm. Trong tất cả các cuộc họp, 100\% ý kiến người dân đồng tình ủng hộ với dự án này. Người dân hy vọng sau cải tạo, ao Gồ sẽ trở thành khu vực sinh thái, nâng cao chất lượng sống cho người dân thôn Thượng.
Thế nhưng, chứng kiến quá trình thi công, người dân vô cùng thất vọng với cách làm của nhà thầu. Đường dạo quanh ao không được đầm, chỉ san gạt qua loa rồi lát gạch lên. Mới gần 4 tháng, nhiều đoạn đường dạo đã sụt lún, đứt gãy, đọng thành vũng nước lớn mỗi khi trời mưa. Các con tiện, lan can tường kè ao vẫn bị để mộc, không được quét sơn.
Dự án kè đá, làm đường dạo ao Gồ chưa nghiệm thu quyết toán đã xuống cấp. |
Bà Nguyễn Thị Xuân, người ở xóm Trên, thôn Thượng cũng chia sẻ: Tiếng là công trình sinh thái, tạo cảnh quan, môi trường cho người dân nhưng đến nay, mỗi khi nắng lên, ao Gồ lại bốc mùi hôi thối, nước xanh lét, đặc sánh, vô cùng ô nhiễm. Nguyên nhân vì khi thi công, nhà thầu không nạo hút bùn đất ở lòng ao mà chỉ tháo nước và tiến hành kè đá luôn. Người dân góp ý nhưng đơn vị thi công bỏ ngoài tai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay tại thời điểm nhà thầu đang thi công, ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu đã phát hiện ra khuất tất và có Báo cáo số 18/BC-UBND gửi Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, thế nhưng không hiểu sao nhà thầu vẫn thi công một cách "suôn sẻ".
Tại báo cáo, ông Hòa nêu rất cụ thể: "Quá trình tổ chức thi công dự án của đơn vị thi công (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản) đã có nhiều vi phạm về thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt tại dự án. Cụ thể là đơn vị thi công không thực hiện việc đào, nạo vét phần nền đất yếu; cọc tre gia cố phần móng không bảo đảm tiêu chuẩn, kích thước (tre nhỏ độ dài chỉ đạt 1,5m đến 1,7m, trong khi thiết kế là cọc tre dài 2,5m). Đơn vị thi công không đổ đá dăm và đầm chặt với độ dày 10cm theo thiết kế; bê tông đổ móng và chiều rộng móng không bảo đảm, toàn bộ phần sắt móng đều không theo thiết kế ban đầu là sắt ø16...".
Nhiều hạng mục bị "rút ruột"
Quá bất bình với kiểu thi công gian dối của nhà thầu, nghi ngờ có sự "tiếp tay" từ phía chính quyền xã, người dân đã làm đơn tố cáo gửi các ngành chức năng.
Xác định đây là vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Từ Liêm đã thành lập đoàn kiểm tra để xác minh. Kết luận giải quyết đơn thư tố cáo của công dân xã Tây Tựu (số 393/KL-UBND) của UBND huyện Từ Liêm đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thi công.
Theo hồ sơ thiết kế, móng kè là 3,95m và chiều cao tường kè đá hộc là 3m. Thực tế, đơn vị thi công đã nâng cao độ móng kè lên 4,75m và hạ chiều cao tường kè xuống 2,2m. Hồ sơ thiết kế thể hiện móng và tường kè có thép ø16 làm liên kết nhưng thực tế nhà thầu không sử dụng. Về khối lượng bùn nạo vét, thực chất nhà thầu chỉ nạo vét 852m3/2.593m3 theo hồ sơ thiết kế thi công. Cọc tre gia cố móng kè theo thiết kế dài 2,5m, mật độ 25 cọc/m2 nhưng thực tế thi công cọc tre chỉ dài 1,7m, mật độ 20 cọc/m2. Ngoài ra, hàng loạt các hạng mục khác như đá dăm đầm chặt móng kè, thép giằng bê tông trên dưới con tiện lan can kè... đều có dấu hiệu ăn bớt hoặc tự ý thay đổi thiết kế.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm khẳng định: "Việc tự ý thay đổi thiết kế công trình chỉ được thể hiện bằng biên bản xử lý hiện trường là không thực hiện đúng theo quy định". Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu đã giao cho ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi công các công trình nhưng đã không trao đổi, thống nhất với ông Hòa và Ban giám sát cộng đồng nắm bắt, giám sát đơn vị thi công là chưa thực hiện tốt trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong chỉ đạo, điều hành công việc.
Công ty cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế và đầu tư xây dựng Sông Hồng là nhà thầu tư vấn giám sát công trình kè đá và cải tạo môi trường xung quanh ao Gồ trong quá trình công trình đang thi công không có cán bộ giám sát thường xuyên tại thực địa, không phản ánh kịp thời với nhà đầu tư về việc thay đổi chiều dài của cọc tre, mật độ đóng cọc tre… là không thực hiện đúng Điều 88 Luật Xây dựng về yêu cầu giám sát thi công xây dựng.
Công ty cổ phần Thiết kế công trình văn hóa là nhà thầu tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án đã không tham mưu với chủ đầu tư thẩm định việc điều chỉnh thiết kế theo quy định, vi phạm điểm b, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ. UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu các nhà thầu hoàn tất công việc còn tồn tại của dự án kè đá, cải tạo ao Gồ tại xã Tây Tựu theo đúng thiết kế phê duyệt, thực hiện nghiệm thu, quyết toán theo đúng khối lượng thực tế...
Thực hiện Kết luận 393/KL-UBND và chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, ngày 17/1/2014, UBND xã Tây Tựu đã tiến hành họp kiểm điểm đối với ông Lê Văn Việt. Ngày 18/2/2014, UBND huyện Từ Liêm đã có Quyết định số 1176/QĐ-UBND về việc kỷ luật ông Lê Văn Việt với hình thức "khiển trách" do chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngày 24/2/2014, UBND xã Tây Tựu đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhà thầu tư vấn giám sát thi công và nhà thầu tư vấn quản lý dự án công trình xây kè đá và cải tạo môi trường xung quanh ao Gồ do có sai phạm. Ngày 4/3/2014, UBND huyện Từ Liêm đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính với hai nhà thầu nêu trên.
Dù UBND huyện Từ Liêm đã kịp thời kiểm tra, xử lý các sai phạm trong quá trình thi công công trình phúc lợi công cộng tại xã Tây Tựu nhưng người dân địa phương vẫn không khỏi băn khoăn. Rõ ràng, công trình bị bớt xén nguyên vật liệu thì chất lượng không bảo đảm, chưa nghiệm thu quyết toán đã xuống cấp thì không thể chỉ là chuyện xử lý cán bộ và xử phạt hành chính các đơn vị.
Nhà thầu "rút ruột", làm dối, làm ẩu thì phải làm đền, làm bù khối lượng, vì đó là tiền ngân sách do người dân đóng góp. Hơn nữa, nếu vụ việc không bị người dân tố cáo thì tiền chênh lệch so với thiết kế sẽ rơi vào túi ai? Không chỉ các hạng mục nằm trong dự án cải tạo ao Gồ, người dân tiếp tục tố cáo những khuất tất trong việc lắp đặt thiết bị 3 trạm bơm của xã Tây Tựu cũng không đúng hồ sơ thiết kế.
Đáng nói là, để làm rõ nội dung tố cáo của người dân, sáng 24/3/2014, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Tây Tựu, gặp được ông Lê Văn Việt. Thế nhưng, khi phóng viên xuất trình giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và đề cập đến những vấn đề công dân tố cáo thì ông Việt cáo lỗi bận và hẹn chúng tôi vào một ngày khác.
Linh Chi (theo HNM)