Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rút giấy phép của Thiên Ngọc Minh Uy: Còn khuyết chế tài đủ mạnh đối với chức vụ quản lý của doanh nghiệp có vi phạm pháp luật

(DS&PL) -

“Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các thành viên giữ chức vụ quản lý một doanh nghiệp có nhiều sai phạm..."

“Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các thành viên giữ chức vụ quản lý một doanh nghiệp có nhiều sai phạm sau đó tiếp tục mở hay quản lý doanh nghiệp khác” đó là ý kiến của Tiến sĩ kinh tế, Luật sư Đào Ngọc Chuyền – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Thông tin rút giấy phép của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy những ngày qua rúng động dư luận. Có ý kiến cho rằng, đáng ra công ty này phải bị rút phép từ lâu. Tuy nhiên nói về việc này, Bộ Công thương đã có thông tin chính thức.Theo đó, Thiên Ngọc Minh Uy không bị rút giấy phép mà chủ động xin ngừng hoạt động sau đó Bộ mới rút giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp của công ty này.

Trước đó, sau quá trình Thanh tra hoạt động của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, Bộ Công thương phát hiện hàng loạt sai phạm có tính hệ thống và ra quyết định xử phạt đối với công ty này. Ngay sau khi Bộ Công thương công khai thông tin rút phép công ty đa cấp này, trên trang fanpage của Công ty này có thông tin “Công ty chuyển đổi để hoạt động tốt hơn”.

Tiếp đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông tin ông Huỳnh Vĩnh Lợi - Phó giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại TP HCM đã sở hữu Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm, tiếp tục bán hàng đa cấp kể từ ngày 13/4/2017, sớm hơn 1 tháng so với thời hạn tạm dừng hoạt động đa cấp đã được doanh nghiệp này đề nghị trước đây.

Trước những “biến hóa” liên tục trong hoạt động của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, chúng tôi có trao đổi với Tiến sĩ kinh tế, Luật sư Đào Ngọc Chuyền về những vấn đề pháp lý xung quanh sự kiện trên.

Tiến sĩ kinh tế, Luật sư Đào Ngọc Chuyền

Phóng viên: Xin luật sư chia sẻ, việc cơ quan cấp phép rút giấy chứng nhận kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy dẫn tới hậu quả pháp lý thế nào?

Luật sư Đào Ngọc Chuyền: Tại Phụ lục số 4 của Luật Đầu tư năm 2014, Bán hàng đa cấp nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, doanh nghiệp muốn kinh doanh bán hàng đa cấp thì phải được cấp phép. Vì một lý do nào đó mà bị rút Giấy phép thì doanh nghiệp đó không đủ điều kiện để tiếp tục kinh doanh bán hàng đa cấp.  Cần phải phân định, việc rút giấy phép của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đối với hoạt động kinh doanh đa cấp không có nghĩa là công ty này giải thể hoặc phá sản. Theo thông tin trên dư luận thì công ty này chủ động xin chấm dứt hoạt động kinh doanh sau đó Bộ Công thương mới rút giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp. 

Việc công ty bị cơ quan cấp phép rút giấy phép hoạt động thì quyền lợi của những người đã tham gia bán hàng đa cấp với công ty này sẽ được giải quyết thế nào thưa luật sư?

Căn cứ Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ quy định về quản lý bán hàng đa cấp.Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định thì khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ sau đây: Thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và niêm yết công khai tại trụ sở chính;  Đảm bảo các quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp…

Muốn biết cụ thể hơn về việc giải quyết quyền lợi của những người đã tham gia bán hàng đa cấp với công ty này như thế nào thì cần xem xét dựa trên hợp đồng, tài liệu văn bản mà họ đã ký kết với nhau trong đó quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, các quy định pháp luật có liên quan …

Trước đây, Công ty TNHH Sinh Lợi, từng bị Sở Kế hoạch Đầu tư thành Phố Hồ Chí Minh rút giấy phép hoạt động vì có nhiều sai phạm sau đó Ban giám đốc công ty này đã thành lập công ty mới và đổi tên thành Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Gần đây, có thông tin cho thấy Công ty nàybị rút giấy phép nhưng vẫn tự tin tuyên bố sẽ lớn mạnh hơn,  thực chất biến tấu sang một công ty khác. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

Tôi rất băn khoăn về vấn đề này.Thiên Ngọc Minh Uy mới chỉ bị rút giấy phép. Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, bị thu hồi giấy phép không phải là phá sản, giải thể. Thiên Ngọc Minh Uy vẫn có thể “đẻ” ra một công ty con khác. Đồng thời, Luật không cấm các chức danh quản lý trong doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội Đồng thành viên, Giám đốc, Phó giám đốc... sau khi quản lý một doanh nghiệp có sai phạm bị rút phép thì không được tham gia, mở hoặc quản lý một công ty khác hoạt động trong cùng lĩnh vực đã sai phạm.

Việc “buông lỏng” đó có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Vậy theo ông làm thế nào để có thể ngăn chặn hiện tượng này?

Theo tìm hiểu của tôi, hiện Luật không cấm nên nhiều cá nhân với tham vọng vẫn có thể lợi dụng, tiếp tục hoạt động kinh doanh nhất là kinh doanh đa cấp gây bức xúc trong dư luận.  Để có thể chặn được hiện tượng này, theo tôi các nhà làm luật cần nghiên cứu, bổ sung vào Luật Doanh nghiệp và Luật liên quan các chế tài để xử lý...

Vừa rồi dự thảo BLHS (sửa đổi) có đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân với các chế tài xử lý như cấm hoạt động, phạt tiền... Còn trách nhiệm hình sự cá nhân thì tùy theo, được cá thể hóa tùy theo hành vi, mức độ vi phạm thì xử lý. Tuy nhiên tôi thấy vẫn chưa đồng bộ giữa trách nhiệm hình sự của cá nhân và pháp nhân, khi liên hệ đến trường hợp này, tôi cho rằng vẫn chưa thể xử lý được doanh nghiệp này.

Cảm ơn luật sư đã dành thời gian chia sẻ!

Tin nổi bật