Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rơi nước mắt với cảnh éo le: Bố tàn tật, con bị bệnh tâm thần

(DS&PL) -

Những tưởng sau khi cưới vợ, người đàn ông tật nguyền sẽ bớt đi bao tủi hờn. Nhưng số phận thật éo le khi đứa con trai đầu của anh chị lại mắc bệnh tâm thần.

Mang trong mình cơ thể tàn tật, những tưởng sau khi cưới vợ, anh Thiết sẽ bớt đi bao cô đơn tủi hờn. Nhưng số phận thật éo le khi đứa con trai đầu của anh chị lại mắc bệnh tâm thần đã hơn 10 năm nay.

Một ngày đầu thu, tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Thiết (SN 1965) và chị Nguyễn Thị Lan (SN 1968), trú tại đội 4, xóm Thượng Lội, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trong tiết trời nắng nóng. Ngay khi vừa tới ngõ, tôi đã gặp anh Thiết ngồi trước cổng, còn chị Lan đang tranh thủ giặt giũ quần áo vừa thay xong cho đứa con trai lớn. Thấy có khách lạ, anh Thiết và chị Lan hơi bất ngờ nhưng sau đó đã mời tôi vào nhà. Khi anh Thiết bước lên đi trước mặt, tôi mới hay tay anh bị tật và chân đi lại rất khó khăn.

Rót chén nước mời khách, anh Thiết, chị Lan bắt đầu câu chuyện về cuộc sống khó khăn và éo le của mình. Theo đó, từ nhỏ anh Thiết là cậu trai bị tàn tật bẩm sinh, mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn và đều phải cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Ngày qua ngày, anh vẫn sống và cố gắng bước qua số phận bất hạnh của mình mà cũng không dám mơ về một ngôi nhà nơi có tiếng vợ và các con nhỏ.

Nhưng may mắn thay, số phận đã mỉm cười với người đàn ông tàn tật ấy khi anh gặp rồi kết hôn cùng chị Lan. Cuộc sống gia đình mới đầu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chị luôn yêu thương nhau và cố gắng cùng ngay vượt qua. Năm 1997, anh chị hạnh phúc chào đón đứa con trai đầu lòng là Nguyễn Văn Thùy.

Ngày mới sinh ra, Thùy cũng lành lặn như bao đưa trẻ khác, chỉ có một mắt hơi nhỏ hơn bình thường. Nghĩ rằng do con còn bé nên mới vậy, lớn lên sẽ khác. Nhưng đến ngày Thùy tròn một tháng tuổi, chị Lan phát hiện con có biểu hiện khác lạ, có khi khóc ngặt dỗ không nín nhưng có lúc lại cười như vô thức nên đã nhờ bác sĩ đến khám.

Cái giường nhỏ là nơi em Thùy ngủ và sinh hoạt

“Khi nghe bác sĩ thông báo cháu bị ảnh hưởng dây thần kinh số 5, tôi đã không dám tin là sự thật. Nhưng nhiều ngày sau đó, biểu hiện của con càng rõ ràng hơn. Cháu lên tục khóc ngặt lên, mẹ dỗ thế nào cũng không được. Sau đó, cháu lại cười như vô thức. Tôi đặt đâu thì cháu nằm đó, không hề đòi mẹ nựng hay đòi bú sữa. Lần này tôi và gia đình mới nghĩ tới lời bác sĩ đã nói trước đó. Những ngày sau đó, có hôm cháu khóc quá tôi phải bồng đi khắp xóm, kể cả hôm trời mưa để dỗ dành cháu”, chị Lan chia sẻ về những ngày tháng cơ cực khi phát hiện ra bệnh của cháu Thùy.

Từ ngày Thùy bị bệnh, gia cảnh anh Thiết chị Lan vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn. Con bệnh tật, anh Thiết lại bị tàn tật bẩm sinh nên mọi việc trong nhà đều dồn lên đôi vai gầy của chị Lan. Biết là vất vả, khó khăn nhưng chị luôn cố gắng để làm chỗ dựa vững cho gia đình. Ngoài việc đồng áng, chị tranh thủ làm thêm các việc khác để kiếm thêm thu nhập lo cho con, cho chồng.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, không ít lần chị Lan tránh đi ánh nhìn của tôi để gạt hàng nước mắt đang chực trào ra. Chị cho biết, đôi lúc bản thân cũng thầm trách sao số phận gia đình mình lại bất hạnh đến vậy, nhưng rồi ngay sau đó chị lại cố gắng đứng lên để cùng chồng vượt qua những nỗi thiếu thốn vất vả này. Bản thân chị Lan cũng mang bao căn bệnh về huyết áp, dạ dày trong người, nhưng chưa một phút nào chị sao nhãng hay quên đi trách nhiệm với gia đình nhỏ đầy khó khăn của mình.

Anh chị Thiết – Lan bên cậu con trai bất hạnh

Chia sẻ về bệnh tình của cháu Thùy, chị Lan cho hay: “Ngày trước, cháu lên cơn hay phá phách nên anh chị buộc lòng phải nhốt con vào một căn phòng cũ. Mỗi lần nhìn con tôi đều đau đớn đến tận tim, tôi ước mình có thể gánh đi một phần đau đớn của con trai. Nhưng hai năm trở lại đây, Thùy có biểu hiện bị động kinh thường xuyên, hay lên cơn khiến cháu không thể đi lại được nên vợ chồng tôi đã chuyển cháu vào cái giường ở nhà trong và chắn ngang một thanh gỗ phía trên để cháu không phá”.

Nghe chị Lan kể, tôi hướng mắt về cái giường nhỏ nơi Thùy đang ngồi. Nhìn cậu con trai 18 tuổi mình trần, chỉ mặc một cái quần cộc ngồi bó ngối trên giường, tôi không khỏi suy nghĩ. Bằng tuổi em, năm nay bạn bè đã học đại học, đã giúp đỡ được bố mẹ, còn em với ánh mắt ngây thơ, lâu lâu bật lên những cái cười điên dại lại không hề biết đến sự tồn tại của người bên cạnh...

Thấy vậy, chị Lan tiếp lời: “Hôm nay cháu ngoan hơn mọi ngày, không phá phách, không khóc. Bình thường cháu hay phá và tỏ ra khó chịu trong người, nhưng lúc như vậy cháu thường xé hết quần áo đang mặc trên người. Cứ lúc nào bố mẹ mặc cho là cháu lại xé rách hết. Có những hôm khi đi làm về, vừa bước chân vào nhà, tôi đã thấy con trong tình trạng trần truồng, quần áo bị xé rách tung tóe, mỗi lần như vậy tôi lại…”, câu nói bị ngắt quãng khi nước mắt đã lăn dài trên gò má chị Lan.

Tiếp lời vợ, anh Thiết cho hay, bản thân là người tàn tật bẩm sinh, đi lại sinh hoạt đã khó khăn nên từ ngày Thùy bị bệnh, mọi việc trong nhà đều do một tay chị Lan gánh vác. Nhiều lúc rất thương vợ nhưng anh đành bất lực. “Là trụ cột gia đình nhưng tôi lại trở thành gánh nặng cho vợ. Tôi mang tật nguyền, đi lại rất khó khăn nên các công việc nặng nhọc không thể làm được, mọi sinh hoạt đều do một tay vợ sắp đặt. Riêng Thùy, có những lần lên cơn phá phách suốt đêm khiến hai vợ chồng phải thức trắng để trông. Thương con lắm, nhưng anh chị bất lực em ạ”.

Được biết, ngoài bị tàn tật bẩm sinh, anh Thiết còn bị bệnh loãng xương khiến cho sức khỏe suy yếu đi nhiều, lúc nào cũng phải có thuốc trong nhà. Hằng ngày, anh Thiết trông coi quán tạp hóa nhỏ của gia đình để phụ giúp thêm cho vợ, còn các việc nặng nhọc đều do một tay chị Lan lo lắng.

Trước bệnh tình của Thùy, nhiều người cũng khuyên anh chị nên đưa cháu ra Hà Nội chữa trị. Biết vậy là tốt cho con hơn nhưng điều kiện gia đình thiếu thốn, con cái còn nhỏ dại nên anh chị đành nắm mắt để con ở nhà chăm nom. Những lần con lên cơn, để con bớt phá phách và giảm đi cơn khó chịu trong người, anh chị lại lấy quần áo cũ ra cho Thùy xé. “Chỉ có như vậy cháu nó mới không phá phách em à. Cũng có những khi tôi đứng vậy cho con đánh, con cấu mà nước mắt lăn dài. Từ nhỏ đến nay, cháu chưa bao giờ cất tiếng kêu bố, kêu mẹ. Thùy chỉ phát ra âm thanh bắt chước khi nghe ai đó nói chuyện”, chị Lan tâm sự.


Ngôi nhà cấp 4 nơi sinh sống của gia đình anh Thiết

Qua cuộc trò chuyện, được biết, ngoài cháu Thùy, gia đình anh Thiết chị Lan còn có 2 người con là cháu Nguyễn Thị Luy (học lớp 6) và cháu Nguyễn Văn Nho (học lớp 4). Cả Luy và Nho đều chăm ngoan và đạt kết quả cao trong học tập. Riêng Luy còn nhiều lần giành giải cao trong các cuộc thi giải toán qua mạng. Ngoài những buổi đến trường, Luy cũng cố gắng giúp mẹ nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có máy tính để Luy ôn luyện dự thi toán qua mạng nên em thường phải đi nhờ học ở các bạn. Bữa được, bữa không nhưng Luy vẫn cố gắng học tập tốt.

Hiện sống cùng gia đình anh Thiết còn có chị của anh là bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1947). Bà Hóa cũng bị tàn tật bẩm sinh ở chân và không lao động nặng nhọc được. Sau khi bố mẹ qua đời, bà Hòa chuyển về sống cùng với vợ chồng anh Thiết. Khó khăn chị em cùng vượt qua.

Ngồi trò chuyện với tôi, chốc chốc bà Hòa lại đưa tay gạt đi những giọt nước mắt, đối với bà, số phận vốn bất hạnh bởi khi sinh ra cả bà và cậu em trai (anh Thiết – PV) đều mang cơ thể không lành lặn. Khi anh Thiết cưới vợ, bà mừng cho em vì từ nay anh có người cùng sẻ chia trong cuộc sống. Nhưng sự đời ai nói trước được chữ ngờ, đứa con trai ra đời mang bệnh tâm thần càng khiến cho gia đình thêm vất vả. Nay bà tật nguyền cũng nương nhờ nơi gia đình em trai.

“Khổ thân lắm cháu ạ, Thùy nó ra đời đã mang bạo bệnh, ngồi ngây ngô chứ có biết chi mô. Tôi thương cho số phận mình thì ít mà thương cho cháu và vợ chồng em trai thì nhiều. Nay tôi ở đây cũng không làm giúp được gì, tất cả chỉ trông chờ vào mỗi mình em dâu thôi. Nhiều lúc muốn giúp đỡ em nó gánh vác ít công việc mà sức cùng lực kiệt nên đành bất lực”, bà Hòa chia sẻ.


Bà Nguyễn Thị Hòa bên các cháu

Khi nói về đứa con gái nhỏ, chị Lan cho hay: “Nghĩ đến hoàn cảnh mình, đôi lúc anh chị thấy chạnh lòng nhưng hiện cũng an ủi được phần nào khi Luy và Nho đều cố gắng học tập tốt. Nhiều lúc nghe con nói muốn có cái máy tính để học, tôi đều cố gắng động viên nhưng sau đó lại khóc một mình vì thương con. Hôm Luy được đi thi toán qua mạng, tôi có bảo cháu thôi đừng đi vì mẹ cũng không biết lấy chi phí đâu cho con đi.

Nghe mẹ nói vậy, cháu nó buồn lắm, miệng thì dạ nhưng sau đó cháu lên giường nằm khóc. Nhìn con như vậy, nên tôi không nỡ bắt cháu bỏ thi. Nhiều lần nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, tôi cũng nói với con là bố mẹ cũng không biết cố đến lúc nào để cho các con theo học, có thể khi giữa chừng mà phải bỏ. Nghe mẹ nói vậy, Luy lại bảo con không bỏ học, con sẽ cố gắng học thật tốt. Mỗi lần nghe con nói, anh chị cũng nghẹn lời”.

Được biết, hiện gia đình anh Thiết, chị Lan chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng và cái quán hàng nhỏ ở nhà. Mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào đấy. Hàng tháng số tiền gần 500.000 đồng trợ cấp của 2 cha con anh Thiết cũng chỉ đủ để thuốc thang cho anh và con trai. Tiền học phí của 2 chị em Luy đều một tay chị Lan tự làm, tự tích góp, bớt xén từ chỗ này chỗ kia.

Trao đổi về hoàn cảnh của anh Thiết, chị Lan, ông Đào Khắc Huấn, xóm trưởng xóm Thượng Lội cho biết: Gia đình anh Thiết là hộ nghèo mấy năm nay của xóm. Hoàn cảnh rất khó khăn khi anh Thiết là người tàn tật, cháu Thùy bị tâm thần, gia đình anh Thiết còn nuôi chị gái cũng bị tàn tật, chị Lan lại thường xuyên đau ốm. Để giúp đỡ gia đình, chính quyền xóm cũng như bà con cũng luôn luôn thăm hỏi, động viên anh chị cố gắng vượt qua khó khăn. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân có thể giúp đỡ gia đình anh chị để bớt đi những gánh nặng và nhất là để 2 cháu Luy và Nho có điều kiện học tập tốt hơn vì 2 cháu đạt kết quả rất tốt.

Chia tay anh chị ra về khi bóng chiều đã ngã. Rời ngôi nhà cấp 4 nơi mà những số phận kém may mắn đang nương tựa vào nhau, tôi không khỏi suy nghĩ về hình ảnh em Thùy ngồi bó ngối trên giường với ánh mắt ngây dại, lâu lâu bật lên những tiếng cười vô thức.

Tôi vẫn biết, cuộc sống này còn nhiều điều bất hạnh nhưng có lẽ với anh chị Thiết – Lan, bất hạnh gần như cứ bủa vây. Rồi đây, khi chị Lan già đi, liệu ai sẽ là người chăm sóc anh Thiết và đứa con trai bệnh tật. Còn Luy và Nho, 2 em nhỏ ham học liệu có điều kiện để bước tiếp trên con đường đến trường hay không.

Tôi rất mong những tia nắng yêu thương, những sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm sẽ đến với anh chị để gia đình vơi bớt đi những thiếu thốn, vất vả.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:

Gia đình anh Nguyễn Văn Thiết, chị Nguyễn Thị Lan

Đội 4, xóm Thượng Lội, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

SĐT anh Nguyễn Văn Thiết: 01638685862.

Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung

Địa chỉ: Số 03 Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Tài khoản số: 0191012468008, Ngân hàng Thương mại CP Bảo Việt, Chi nhánh Nghệ An.

Tin nổi bật