Liên minh châu Âu (EU) sẽ có một cuộc thảo luận về việc lập danh sách đen “Thiên đường thuế” sau khi Hồ sơ Paradise bị rò rỉ, tiết lộ những bí mật của giới tài phiệt.
Việc đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự của các Bộ trưởng Tài chính EU đã được quyết định sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ về "Hồ sơ Paradise" - một tài liệu tài chính bị rò rỉ từ công ty luật nổi tiếng Appby.
Tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức đã thu thập các tài liệu mật và chia sẻ với ICIJ cùng một số cơ quan truyền thông quốc tế. Hãng tin Reuters cho biết họ không thể kiểm tra cái tài liệu này một cách độc lập trong khi đó Appleby chưa đưa ra bình luận nào. Hồ sơ này gồm 13,4 triệu tài liệu rò rỉ từ Appby, một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính đặt trụ sở tại Bermuda - một trong những "Thiên đường thuế" hàng đầu thế giới.
EU xem xét lập danh sách đen "Thiên đường thuế" sau khi Hồ sơ Paradise bị rò rỉ. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trước báo giới ngày 6/11, ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói rằng Paradise Papers "đặt ra yêu cầu mới đối với châu Âu trong cuộc chiến chống trốn thuế".
Trong suốt nhiều tháng qua, EU đã vạch kế hoạch nhằm đạt thỏa thuận về một danh sách đen "thiên đường thuế" trước cuối năm 2017. Những tiết lộ từ Hồ sơ Paradise càng khiến liên minh có thêm động lực để đẩy mạnh cuộc thảo luận này.
Trên thực tế, sau vụ rò rỉ tài liệu mang tên Panama Papers vào năm 2016, EU đã bàn nhiều về các biện pháp chống trốn thuế. Trong số các biện pháp được tính đến là lập một bản danh sách đen chung của EU các "Thiên đường thuế" nhằm ngăn các công ty chuyển lợi nhuận được tạo ra ở EU tới các nước không đánh thuế hoặc có mức thuế thấp.
Hiện tại, mỗi quốc gia EU đều có danh sách “Thiên đường thuế” nhưng tiêu chí xác định là khác nhau. Vậy nên, một danh sách chung được cho là sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Các nước có thẩm quyền trong danh sách này có thể bị trừng phạt nếu họ không hợp tác.
Chưa có thông tin chi tiết về loại hình trừng phạt có thể được áp dụng. Nhưng nếu một quốc gia bị liệt vào danh sách đen thì các cá nhân và công ty của các nước châu Âu chắc chắn sẽ không thể kiếm tiền từ đất nước đó.
Hai quan chức EU cũng nói với Reuters rằng "một cuộc đối thoại" đang được tiến hành theo thủ tục pháp lý trên khắp thế giới để đảm bảo rằng các quốc gia đối tác sẽ tuân thủ tiêu chuẩn của EU về minh bạch thuế.
Trong năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã xác định được 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có khả năng cao là "thiên đường thuế". Tuy nhiên, một số quốc gia EU tỏ ra hoài nghi về danh sách này.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Reuters)