“Na Tra: Ma đồng giáng thế” là bộ phim hoạt hình 3D của Trung Quốc do đạo diễn Giảo Tử thực hiện, được sản xuất và lấy cảm hứng từ huyền thoại về nhân vật Na Tra trong tiểu thuyết “Phong thần diễn nghĩa”.
Năm 2019, chỉ sau khoảng 1,5 tiếng công chiếu tại thị trường nội địa, bộ phim đã phá kỉ lục doanh thu phòng vé, đạt 100 triệu NDT. Thẳng tiến như vũ bão, sau khoảng một tháng công chiếu, bộ phim hoạt hình này thu về hơn 4.655 tỷ NDT, hạ gục kỉ lục doanh thu phòng vé của “Lưu Lạc Địa Cầu” và chỉ xếp sau “Chiến Lang 2”.
Thành tích này hoàn toàn xứng đáng với một bộ phim xuất sắc như “Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế”. Bộ phim này không chỉ gây ấn tượng bởi kỹ xảo mượt mà và đẹp mắt không kém Hollywood mà còn vì cốt truyện hấp dẫn.
Từng chi tiết nhỏ của phim “Na Tra: Ma đồng giáng thế” được chăm chút vô cùng tỉ mỉ, từ cảnh vật, hiệu ứng tới biểu cảm con người. Tạo hình nhân vật có điểm nhấn riêng, biểu cảm và cử động linh hoạt, mượt mà.
Rất nhiều phim hoạt hình 3D bị cuốn vào việc xây dựng hình ảnh quá chân thật khiến chúng trông giống những bản live-action hơn là một bộ phim hoạt hình. Tuy nhiên, đội ngũ sản xuất đã khá tinh tế và khéo léo giúp “Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế” tránh được vết xe đổ này, giữ được những chuyển động sinh động của một phim hoạt hình.
"Na Tra: Ma đồng giáng thế" có kỹ xảo mượt mà và đẹp mắt. Ảnh: CGV/ Tri Thức
Kỹ xảo chính là điểm sáng lớn nhất của bộ phim “Na Tra: Ma đồng giáng thế”. Phần âm nhạc rất được đầu tư khi những giai điệu và những bản nhạc nền trong phim đều toát lên chất cổ tích và thần thoại dân gian Trung Hoa. Sự kết hợp các nhạc cụ như sáo, trống và đàn dây cũng đem lại cảm giác đậm nét văn hóa phương Đông.
Bên cạnh sự tinh tế về âm nhạc, ánh sáng và âm thanh cho thấy sự xuất sắc khi thay đổi hài hòa theo tình tiết của phim. Những màu sắc sáng vàng và hiệu ứng mờ ảo được tận dụng nhiều trong những phân cảnh tươi vui, lạc quan và tượng trưng cho sự thánh thiện.
Đến khi chuyển sang những tình tiết trầm hơn, các gam màu tối lại bao phủ toàn cảnh như tượng trưng cho sự trỗi dậy của bóng tối. Hai thái cực sáng – tối đan xen cũng được tô điểm bởi âm thanh sống động, nhanh và dồn dập ở những trận chiến long trời lở đất, hay nhẹ nhàng tình cảm ở những phân cảnh gia đình.
Phần hành động của “Na Tra: Ma đồng giáng thế” cũng được đầu tư thực hiện nghiêm túc và chất lượng. Hiệu ứng hành động, cháy nổ tạo cảm giác kịch tính, bạo liệt cần thiết. Các trường đoạn hành động được phân bổ dàn trải xuyên suốt giúp duy trì tiết tấu hấp dẫn từ đầu đến cuối, với đỉnh cao là trường đoạn cuối phim vô cùng hoành tráng.
Với nỗ lực của 1600 con người cho dự án 5 năm, đạo diễn Giảo Tử đã cho thấy tâm huyết và sự nghiêm túc của ông cho sự trở lại hoành tráng của bộ phim lần này.
Mặc dù các tuyến nhân vật chính không đổi, các mốc sự kiện chính vẫn diễn ra, nhưng nội dung cụ thể của phim “Na tra: Ma đồng giáng thế” lại được cải biên khéo léo với nhiều sáng tạo so với nguyên tác “Phong thần diễn nghĩa”.
Hỗn Nguyên châu chuyển sinh thành Na Tra nhưng phần chuyển sinh không phải Linh Châu mà là Ma Hoàn sinh ra nhờ hấp thụ yêu khí khắp thế gian. Do đó, từ khi chào đời, Na Tra đã mang ma khí, bị người đời sợ hãi xa lánh, chỉ được hưởng ba năm dương thọ ngắn ngủi trước khi bị Thiên kiếp giáng xuống tiêu diệt.
Tạo hình của Na Tra trong bộ phim "Na Tra: Ma đồng giáng thế".
Việc cải biên xuất thân khiến hoàn cảnh của nhân vật chính Na Tra trở nên phức tạp hơn. Trái ngược với mô-típ người hùng chính diện thông thường, ngay từ đầu nhân vật chính đã phải mang trên mình thử thách to lớn, cùng số phận định sẵn đầy nghiệt ngã.
Nhờ vậy, tâm lý nhân vật có cơ sở và được phát triển một cách hợp lý và đa chiều hơn. Na Tra lớn lên ngỗ nghịch khó thuần là do hoàn cảnh, không phải do bản chất của cậu. Cách hành xử của các nhân vật trong phim cũng theo đó trở nên thuyết phục hơn.
Bên cạnh Na Tra, bản thân vương tử Ngao Bính - nhân vật thường được miêu tả mang tính phản diện - cũng được xây dựng độc đáo và khác biệt. Mối quan hệ ân oán giữa hai nhân vật vẫn diễn ra nhưng không đơn thuần là đối đầu thiện-ác, mà phức tạp và sâu sắc hơn vậy rất nhiều.
Thông qua cải biên về hoàn cảnh nhân vật, bộ phim “Na Tra: Ma đồng giáng thế” thể hiện nhiều ý nghĩa nhân văn. Đó là bài học đáng suy ngẫm về thành kiến của mỗi người, chỉ với một ý niệm mơ hồ cũng có thể dễ đến hàng loạt sai lầm chồng chất sai lầm không đáng có.
Chỉ vì chút thành kiến cố chấp, người dân ở Trần Đường Quan xa lánh Na Tra. Long tộc chỉ vì thành kiến cố chấp mà nghìn đời bị coi thường là yêu tộc. Trong khi đó, Thân Công Báo là tiên nhân tu luyện trăm năm, chỉ vì chút thành kiến cố chấp mình gốc là yêu thú mà tự tạo nên ác nghiệp.
Ngoài ra, còn có bài học về việc chấp nhận bản thân, không ngừng đứng lên chống lại định mệnh đã an bài để tự tạo ra số phận. Đồng thời, những quan điểm về việc làm cha mẹ, cùng lý tưởng nuôi dạy con cái sao cho hợp tình, hợp lý của vợ chồng Lý Tịnh, cũng mang ý nghĩa sâu sắc.
Những bài học này khiến “Na Tra: Ma đồng giáng thế” trở nên sâu sắc và ấn tượng hơn hẳn so với câu chuyện thiện-ác đối đầu quen thuộc ở nguyên tác kinh điển. Tác phẩm này không chỉ đơn thuần là phim hoạt hình cho khán giả nhỏ tuổi mà những người làm cha, làm mẹ cũng dễ dàng đồng cảm với những điều mà phim truyền tải.
Yếu tố hài hước trong phim “Na Tra: Ma đồng giáng thế” xuất hiện với tần suất nhiều hơn hết thảy tất cả các phim Na Tra đã từng được ra mắt. Tuy đôi chỗ hơi lạm dụng nhưng xét về tổng thể, sự hài hước trong một số tình tiết đem đến không khí thoải mái cho người xem rất nhiều.
Bộ phim cũng mang nét tươi mới so với các phim hoạt hình thần thoại dân gian khác, khi kết hợp nhẹ nhàng giữa hiện đại và cổ tích. Các tình tiết mang "dáng dấp" của thế kỷ 21 đem đến sự thích thú cho người xem khi những thế hệ trẻ ngày nay - những người chưa sinh ra vào những phiên bản đời đầu của Na Tra, tìm thấy được sự đồng cảm.
Sau khi được cải biên về xuất thân, Na Tra trở nên chân thực, gần gũi hơn với khán giả. Cả đời bị vây quanh bởi rất nhiều thành kiến khiến cậu cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không có lấy một người bạn đích thực. Vẻ ngoài ngỗ nghịch, nổi loạn thực tế chỉ là để che giấu tâm hồn yếu đuối, mong mỏi được người khác thừa nhận. Nét tâm lý này rất phổ biến trong người trẻ hiện đại.
Trong khi đó, Ngao Bình không còn là Tam thái tử Long cung ngạo mạn, ngang tàng, mà là một vương tử Long tộc khôi ngô, tuấn tú, với trọng trách gánh vác vận mệnh của cả tộc đầy nặng nề trên vai.
Giống như Na Tra, Ngao Bính có những nỗi niềm riêng chẳng thể chia sẻ cùng ai, phải đơn độc chịu đựng khi đưa ra lựa chọn đánh đổi giữa lương tri với lợi ích gia tộc. Biến đổi tâm lý của nhân vật tỏ ra hợp lý và thuyết phục, khiến khán giả thấy đồng điệu, cảm thông với anh hơn.
Nhân vật Lý Tịnh được cải biên đầy hợp lý về tính cách và tâm lý. Ảnh: CGV/ Tri Thức
Tâm lý và cá tính của nhân vật Lý Tịnh cũng được cải biên đầy hợp lý. Lý Tinh vẫn nghiêm khắc nhưng thấu hiểu con trai hơn, không bị ảnh hưởng bởi định kiến xã hội có phần cực đoan, thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình vì con.
Chắc hẳn khán giả lớn tuổi hẳn sẽ rất đồng cảm với Lý Tịnh - một bậc trượng phu vừa phải gánh vác sự an nguy của cả trấn, vừa phải gánh vác lo lắng cho an nguy của gia đình. Mỗi quyết định ông đưa ra đều khó khăn khi phải vượt qua nhiều thành kiến, nhiều cân nhắc đánh đổi nặng nề.
Nhân vật Ân thị cũng có phần thể hiện đáng nhớ trong “Na Tra: Ma đồng giáng thế”. Từ trước tới nay, Ân thị luôn là người phụ nữ mạnh mẽ, người mẹ hết mực thương con, vì con mà sẵn sàng hy sinh thân mình làm mọi điều có thể. Trong phần phim Na Tra mới, nhân vật không có nhiều khác biệt, tiếp tục thể hiện tình mẫu tử linh thiêng dành cho con.
Một số nhân vật khác như Thân Công Báo hay Thái Ất Chân Nhân cũng có cá tính, miêu tả tâm lý nổi bật. Việc tập trung xây dựng nhân vật có chiều sâu lý tưởng đã giúp “Na Tra: Ma đồng giáng thế” trở nên nổi bật và đáng nhớ hơn so với các bản chuyển thể trong quá khứ.