Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rắn độc cắn người đi du lịch: Đau lòng người bệnh đến viện muộn do tin vào thuốc nam

(DS&PL) -

Liên tục từ đầu đầu hè đến nay, ngày nào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn.

Điều đau lòng là người bệnh thường đến viện muộn do tin vào thuốc nam, kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang. Khi đến viện, thường đã quá muộn, tổ chức gân cơ đã bị hoại tử và khi đó liệu trình điều trị huyết thanh không còn giá trị. Nhiều trường hợp đã bị tử vong.

Liên tục từ đầu đầu hè đến nay, ngày nào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũngtiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn. BS. Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc cho biết: đây là dịp vào mùa rắn cắn bởi đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa.

Mùa đông rắn thường ngủ và mùa hè thì ra khỏi tổ đi kiếm ăn. Đặc biệt mưa lại càng là yếu tố thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Chống độc tiếp nhận và điều trị 1 – 2 ca rắn cắn.

Đi du lịch vùng nào hay bị rắn cắn?

Bằng kinh nghiệm điều trị tại Trung tâm Chống độc, BS Đàm Chính cho biết: Ở phía Bắc, các khu du lịch Tam Đảo, Hạ Long, Cát Bà… là những nơi khách thích hành trình khám phá, leo trèo thám hiểm khu vực rừng núi nên dễ bị rắn lục tấn công. Do rắn lục có khả năng ngụy trang gần giống với màu lá, mầu thân cây nên khách du lịch khó phát hiện để phòng ngừa.

Chỉ khi bị tấn công thì mới phát hiện ra, vì vậy, khách du lịch hạn chế hái hoa, lá, dựa bám vào các cành, thân cây khi mùa rắn sinh nở, kiếm ăn…

Rắn lục có đầu hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng. Rắn lục xanh: có màu xanh lá cây các mức độ khác nhau, thường ở vùng rừng núi - cả ba miền đều có. Rắn khô mộc, rắn lục mũi hếch: thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi phía Bắc. Rắn choàm quạp: thân màu nâu, thường ở vùng rừng phía Nam.

BS Chính cho biết: khi bị rắn lục cắn, tại chỗ sẽ bị sưng nề, phỏng nước, chảy máu và chảy máu toàn thân, khó cầm. Từ đó dẫn đến tử vong do chảy máu, mất máu. BS Chính nhấn mạnh, khi đó tuyệt đối không trích, nặn vì càng làm tăng nguy cơ chảy máu, không cầm máu và dẫn đến tử vong.

Rắn hổ mang tấn công: Tử vong vì đến muộn

Mưu sinh kiếm sống từ rắn có các hình thức như bắt rắn, nuôi rắn hoặc đi làm đồng... Với trường hợp này thường là bị rắn hổ mang và cạp nia tấn công. Đặc điểm của nhóm bệnh nhân này thường là người nghèo, dân tộc không tham gia bảo hiểm y tế nên khi vào viện, người bệnh phải đối diện với khó khăn do chi phí điều trị cao: huyết thanh kháng nọc rắn thường khoảng 20 triệu đến 30 triệu.

Chưa kể, những bệnh nhân bị hoại tử sẽ phải cắt cụt chi, hoặc cắt bỏ tổ chức gân, cơ rất lớn. Với tình huống này, người bệnh còn phải chịu thêm chi phí một cuộc phẫu thuật cắt gọt và ghép da.

Điều đau lòng là người bệnh thường đến viện muộn do tin vào thuốc nam, kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang. Khi đến viện, thường đã quá muộn, tổ chức gân cơ đã bị hoại tử và khi đó liệu trình điều trị huyết thanh không còn giá trị. Nhiều trường hợp đã tử vong. Vì vậy, BS Chính khuyến cáo: khi phát hiện người bị rắn cắn, lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay trong những giờ đầu.

Do thiếu hiểu biết những thông tin cần thiết về phòng tránh và xử trí rắn độc cắn nên vẫn còn nhiều trường hợp đáng tiếc bị rắn độc cắn, nạn nhân được sơ cấp cứu không đúng cách, tới cơ sở y tế chậm trễ dẫn tới nhiễm độc nặng, di chứng hoặc tử vong.

Dấu hiệu nhận biết rắn cắn: Tại chỗ  đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, vết cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt. Toàn thân, người bệnh đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,... Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ hô hấp gây khó thở tiến tới suy hô hấp.

Để giúp bác sĩ có thể xác định và điều trị phù hợp, người nhà nên mang rắn đã cắn (nếu còn giữ) đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng loại rắn. Nếu ở xa, có thể nhờ người chụp ảnh của rắn và gửi qua email trước để giúp cho việc chẩn đoán nhanh và chữa trị kịp thời. Ngoài ra, nên cung cấp thêm thông tin về nơi bị rắn cắn, đặc điểm của rắn (nếu nhìn thấy), các biện pháp sơ cứu đã áp dụng....

Sơ cứu – Chỉ băng ép, tuyệt đối không garo

Sơ cứu người bị rắn cắn: Động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại (vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; Cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.

Các bác sĩ lưu ý không mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc; Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện. Không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch. Không làm các biện pháp khác, như: chườm đá, gây điện giật,…

Lưu ý khi vận chuyển cần duy trì biện pháp băng ép và bất động, khẩn trương vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bằng ô tô.

Trong khi vận chuyển nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Lưu ý bạn không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa và có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được hỗ trợ.

Phòng tránh rắn cắn

Bạn nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn.

Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên làm những cử động đe doạ rắn. Cần cảnh giác đặc biệt rắn sau mưa, trong mùa lũ lụt, mùa gặt hái và ban đêm.

Đề phòng rắn biển cắn, ngư dân tránh động vào rắn biển, tránh bắt rắn trong lưới và trên đường đi. Đầu và đuôi rắn không dễ gì phân biệt. Có nguy cơ rắn biển cắn khi bơi lội, giặt quần áo nơi nước đầm thuỷ triều, cửa sông, bãi biển.

Phải chuẩn bị những dụng cụ cần thiết khi đi rừng núi, đồng ruộng, nương rẫy: Phải đi ủng hoặc giầy cao cổ; Mặc quần áo vải dày, đội mũ rộng vành; Phải có gậy khua rắn; Nếu đi đêm phải có đuốc hoặc đèn pin.

Trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối.

Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy hay chân có đi giầy).

 

Tin nổi bật