BS Hoàng Công Lương bị truy tố về các tội Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Việc truy tố này một lần nữa khiến ngành y “dậy sóng”.
Chiều 21/3, bộ Y tế chính thức lên tiếng về việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Người được Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ định phát ngôn về vụ việc này là Vụ trưởng vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang. Ông Quang cho hay tội danh mà VKSND Hòa Bình truy tố bác sĩ Lương là “chưa thật sự thuyết phục”.
Quan điểm của bộ Y tế là cơ quan điều tra, xét xử làm việc độc lập, khách quan, minh bạch, đúng người đúng tội, nhưng cũng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. Bộ Y tế cho rằng có 3 yếu tố dẫn đến nhận định quy kết bác sĩ Lương phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa thật sự thuyết phục.
Theo đó, luật Khám chữa bệnh quy định chức trách của bác sĩ là cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân, còn chất lượng thiết bị, bảo trì thiết bị do bộ phận trang thiết bị - vật tư phụ trách không thuộc trách nhiệm của bác sĩ.
Cáo trạng cho rằng vi phạm của bác sĩ Lương là không kiểm tra lại hệ thống lọc nước và không báo cáo Trưởng khoa trước khi ra y lệnh chạy máy chạy thận nhân tạo.
Vấn đề đặt ra là bác sĩ Lương có trình độ chuyên môn và phương tiện để kiểm tra hệ thống lọc nước hay không? Sai sót của bác sĩ Lương có phải là nguyên nhân chính dẫn đến 8 người bệnh tử vong hay không?
Vì 3 lý do này, ông Quang cho rằng cáo buộc tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho bác sĩ Lương là chưa thật sự thuyết phục.
Ông Quang cũng cho hay với tội danh này, nếu đưa ra xét xử, bác sĩ Lương có thể phải nhận mức án từ 7 đến 12 năm tù. Điều đó có nghĩa là bác sĩ Lương sẽ không có cơ hội và niềm tin để quay lại với nghề nghiệp, trong khi đây là một bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhân thân tốt.
Đánh giá về quyết định truy tố này, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định: Trước tiên phải khẳng định rằng, bản cáo trạng chỉ là căn cứ pháp lý để tòa án đưa vụ án ra xét xử theo tội danh mà viện kiểm sát đã truy tố.
Việc các bị can, bị cáo có phạm tội hay không, có bị tuyên là có tội hay không sẽ do tòa án quyết định căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa theo các nguyên tắc và thủ tục do Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành quy định.
Việc buộc tội các bị cáo trước tòa là trách nhiệm của viện kiểm sát – cơ quan thực hiện quyền truy tố bị can. Nếu tại phiên tòa mà đại diện viện kiểm sát đưa ra được những căn cứ, lập luận, chứng cứ xác đáng thuyết phục được hội đồng xét xử thì mới bảo vệ được quyết định truy tố của mình.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án.
“Mọi chuyện còn đang ở phía trước. Chưa có gì chắc chắn là bác sĩ Lương sẽ bị kết tội”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo cáo trạng số 05CT-VKS-P2 ngày 22/2/2018 và nội dung đính chính ngày 21/3/2018 của VKSND tỉnh Hòa Bình gửi bộ Y tế thì bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999, nay là khoản 3, Điều 360, BLHS năm 2015.
Theo đó, điều luật này quy định: “Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”.
Theo quy định trên, VKSND tỉnh Hòa Bình phải có chứng cứ, tài liệu, căn cứ để chứng minh rằng bác sĩ Hoàng Công Lương “là người có chức vụ quyền hạn nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao…” gây hậu quả nghiêm trọng thì mới đủ căn cứ xử lý bác sĩ này về tội danh này.
Luật sư Cường phân tích, trong cáo trạng số 05, VKSND tỉnh Hòa Bình cho rằng, bác sĩ Lương đã có hành vi: “Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của trưởng khoa.
Tuy nhiên, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thoại thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can này đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường”.
Tuy nhiên, việc mô tả hành vi nêu trên là chưa rõ ràng, cần phải có những chứng cứ cụ thể, xác đáng thì mới chứng minh được “nhiệm vụ quyền hạn” của bác sĩ trong vụ việc này, đồng thời phải có chứng cứ chứng minh bác sĩ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ đó, việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng này là nguyên nhân, tất yếu dẫn đến hậu quả chết người thì mới đủ căn cứ kết tội bác sĩ này.
Trong vụ án này, bác sĩ Lương và các luật sư bào chữa có rất nhiều nội dung có thể tranh luận với đại diện VKS tại phiên tòa để làm sáng tỏ bản chất, nội dung vụ án.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: “Đành rằng số người chết trong vụ việc chạy thận nhân tạo này rất lớn (8 người), thiệt hại về người, vật chất, tinh thần là không gì bù đắp được.
Tuy nhiên, ai phải chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này và phải chịu trách nhiệm đến đâu thì cần được làm rõ, xử lý khách quan để đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật, tránh xảy ra việc quy chụp, quy kết trách nhiệm thiếu căn cứ dẫn đến oan sai và đặc biệt khi bị can là một bác sĩ trong bối cảnh xã hội hiện nay”.
Nguyễn Huệ - Việt Hương