Liên quan đến số dư tích luỹ tài chính công đoàn đến hết năm 2019 gần 29.000 tỷ đồng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những lý giải về số kết dư và việc sử dụng số tiền này.
Họp báo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chiều ngày 22/9. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Tại cuộc họp báo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) vào chiều ngày 22/9, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng ban tài chính Tổng LĐLĐ đã trả lời về những bất cập trong việc thu, chi phí công đoàn vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.
Trả lời về vấn đề số dư tích lũy tài chính công đoàn lên đến 29.000 tỷ đồng gửi trong ngân hàng đang được dư luận quan tâm, bà Lan cho rằng đây là số dư của toàn bộ hệ thống công đoàn.
Trong đó, số dư tại công đoàn cơ sở là gần 7.600 tỷ đồng, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 6.600 tỷ đồng. Số còn lại phân bổ ở liên đoàn lao động địa phương, Tổng LĐLĐ…
Theo bà Loan, nguồn tích luỹ của tổ chức công đoàn được Nhà nước cho phép cân đối thu - chi, khi kết thúc năm ngân sách, nguồn thu kinh phí công đoàn chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
Cũng theo Phó Trưởng ban tài chính Tổng LĐLĐ, bộ Tài chính đã có Công văn chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, khoản tiền lãi này được bổ sung vào nguồn tài chính công đoàn để tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động.
Số dư được gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối theo đánh giá của Tổng LĐLĐ là được khai thác có hiệu quả.
"Còn về việc đầu tư, hiện nay, tổ chức công đoàn cũng chỉ mua một phần ưu đãi và không có các hoạt động đầu tư nào khác", bà Lan cho biết.
Về việc kinh phí công đoàn cấp trên kết dư lớn, trong khi cấp cơ sở không đủ để chi, đại diện Tổng LĐLĐ cho rằng, tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn giai đoạn 2016-2019 là 65% để lại cấp cơ sở, năm 2020 tăng lên 70% và đến năm 2025 lên 75%. Riêng với công đoàn phí, tỷ lệ để lại cho công đoàn cơ sở là 60% số thu.
Về việc chi quỹ công đoàn, bà Lan cho biết từ năm 2013 đến năm 2019, tổng số chi tại các cấp công đoàn là gần 77.000 tỷ đồng. Tại cấp cấp công đoàn cơ sở nguồn kinh phí chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, còn lại là chi lương, phụ cấp và quản lý hành chính.
Mức chi bình quân trong năm 2019 cho một đoàn viên là 1.200.000 đồng/năm, người lao động trên 1 triệu đồng/ năm.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng LĐLĐ. Trong đó chỉ ra một số bất cập trong quản lý tài chính của đơn vị này.
Cụ thể, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài chính công đoàn tích luỹ gần 29.000 tỷ đồng.
Số kết dư này chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh thành và tương đương. Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả, đa số mang đi gửi tiết kiệm.
Các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán.
Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cho thấy tài khoản thu tổ chức công đoàn tại cấp tổng dự toán Tổng LĐLĐ có phát sinh khoản thu 11,3 tỷ đồng, tiếp nhận của các cá nhân hỗ trợ.
Tuy nhiên, các khoản tiếp nhận không có phiếu thu mà chỉ có bảng kê danh sách đóng góp hỗ trợ bằng tiền mặt của năm đơn vị do Phó trưởng ban Tài chính lập.
Bạch Hiền (t/h)