Theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, mức lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp không được trả lương thử việc thấp hơn 85% mức lương chính thức khi người lao động được ký hợp đồng lao động chính thức cho vị trí công việc đó.
Ví dụ: Nếu mức lương chính thức cho vị trí nhân viên kinh doanh là 10.000.000 VNĐ/tháng, thì mức lương thử việc mà người lao động có thể nhận được ít nhất là 8.500.000 VNĐ/tháng.
Việc thỏa thuận mức lương thử việc cụ thể sẽ phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của ứng viên và chính sách của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ quy định về mức sàn tối thiểu này.
Lương thử việc là một trong những vấn đề được người lao động và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi bắt đầu một mối quan hệ làm việc mới. Ảnh minh họa
Bên cạnh quy định về lương, thời gian thử việc cũng là một yếu tố quan trọng. Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ về thời gian thử việc tối đa cho từng loại công việc, cụ thể như sau:
Không quá 180 ngày: Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Không quá 60 ngày: Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
Không quá 30 ngày: Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
Không quá 6 ngày làm việc: Đối với công việc khác.
Doanh nghiệp cần xác định chính xác loại công việc để thỏa thuận thời gian thử việc phù hợp, tránh vi phạm quy định của pháp luật.