Căn cứ Điều 36 Luật Nhà giáo 2025, quy định về tạm đình chỉ giảng dạy như sau:
1. Trong thời hạn xem xét, xử lý kỷ luật, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo nếu việc nhà giáo tiếp tục giảng dạy có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật hoặc ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo và tâm lý người học; trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục ra quyết định tạm đình chỉ giảng dạy.
2. Đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy và tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy và tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, từ ngày 1/1/2026, việc tạm đình chỉ giảng dạy với nhà giáo được quy định như trên.
Luật Nhà giáo 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Ảnh minh họa: Báo điện tử Nhân dân
Theo Điều 11 Luật Nhà giáo 2025 quy định những việc giáo viên không được làm bao gồm:
1. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Ngoài quy định tại (1), nhà giáo không được làm các việc sau đây:
Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
Ép buộc người học nộp tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo bao gồm:
Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật;
Đăng tài, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền;
Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.