Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quy định mới về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền: Quả đấm thép chặn đứng những “liên minh quyền lực ngầm”

(DS&PL) -

Việc ban hành Quy định 205 cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ.

Việc ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ, kiên quyết làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ. Nói không với “quyền lực ngầm” chạy chức, chạy quyền, thao túng, cánh hẩu…

Tuyển chọn những cán bộ tiêu biểu

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định được ban hành tại thời điểm các cấp ủy Đảng trên toàn quốc đang triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Ban hành quy định rõ ràng trước thềm đại hội các cấp cho thấy sự nghiêm túc trong công tác chọn lựa cán bộ, chọn lựa người tài. Việc này thể hiện sự quyết tâm trong kiểm soát quyền lực của công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Trước Quy định này, PV báo ĐS&PL đã lắng nghe ý kiến của các nguyên lãnh đạo, ĐBQH xoay quanh những nội dung nêu trong quy định 205. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, xuất phát từ thực tiễn nên Bộ Chính trị đã ra Quy định 205, việc ra quy định này rất kịp thời, rất cần thiết.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ: “Việc chạy chức, chạy quyền diễn ra không ít, biến tướng và nhiều gây nhiều hệ lụy tệ hại. Bản thân những người chạy chức, chạy quyền đã lộ diện thì cũng lâm vào những cảnh không sung sướng gì, bị lên án, chỉ trích... Thông qua việc ngăn chặn này để chúng ta có thể tuyển chọn được những cán bộ tiêu biểu vào các cấp lãnh đạo mới, đây là một tín hiệu đáng mừng.

Mặt khác, quy định cũng là điều rất nhân văn, để cho Đảng viên, cán bộ không lâm vào cảnh suy thoái. Điều này, cũng thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc ngăn chặn, phòng ngừa, làm thế nào chọn được cán bộ tốt và loại được những cán bộ hư hỏng”.

Có thể nói, vụ Trịnh Xuân Thanh đã khiến cho nhiều cán bộ bị kỷ luật, gồm cả những cán bộ cấp cao ở ban, bộ, cơ quan Trung ương, kể cả có người đã về hưu như chuyện “cả nhà làm quan” ở Kim Thành (Hải Dương) hay ở Hà Giang vẫn luôn được nhắc đến. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là do yếu kém, khuất tất trong công tác cán bộ.

“Chính vì Trung ương thấy những hệ lụy của công tác cán bộ chưa chuẩn nên đã ra quy định 205, đây là việc rất quan trọng. Cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện thì mới có hiệu quả”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Trong quy định 205 có nêu, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, Phó bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị... Nói về điều này, ông Vũ Quốc Hùng cho hay: “Những quy định này cũng là rào cản để không có chuyện “một người làm quan cả họ được nhờ”. Nếu cứ như vậy là làm mất uy tín của Đảng và chính quyền. Theo tôi, vào thời điểm hiện nay, quy định 205 như đã nêu ở trên là cần thiết. Nếu có cần điều chỉnh gì thêm hay không thì chúng ta cứ thực hiện và khi thực hiện xong thì tổng kết, rút kinh nghiệm. Xem cần bổ sung thêm điều gì cho rõ hơn thì sẽ bổ sung sau...”.

Phải sàng lọc kỹ, chọn cán bộ “có tâm và có tầm”

Để thực hiện nghiêm quy định này, theo ông Vũ Quốc Hùng, những cơ quan làm công tác cán bộ cần phải sàng lọc cán bộ, xem những ai “có tâm và có tầm”, còn những ai không có tâm và có tầm thì nên chuyển qua chỗ khác.

“Việc tuyển chọn cán bộ là nhiệm vụ của tất cả các cấp uỷ và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, những người làm công tác cán bộ phải là người trong sáng, nếu những người làm công tác cán bộ sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm, tránh những hệ lụy không tốt sau này. Trách nhiệm của những người đứng đầu các cấp là phải xem ai có đủ tâm và đủ tầm để thực hiện quy định này. Những cán bộ được thay mới cũng phải được lựa chọn, cho nên công tác tổ chức thực hiện rất quan trọng. Từ đội ngũ những người làm công tác gắn với cán bộ, cứ bình tĩnh triển khai. Với nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện không hình thức thì sẽ rõ ràng và đạt hiệu quả cao...”, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cũng nhìn nhận về quy định 205, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Tôi cho rằng, đây là quan điểm, chủ trương rất đúng của Đảng. Trước tình hình thời gian vừa qua, tại một số nơi, một số điểm, một số tỉnh có hiện tượng chạy chức, chạy quyền... Điều đó gây mất niềm tin của người dân đối với Đảng, đối với công tác tổ chức cán bộ. Chính vì thế, Quy định 205 nêu ra những vấn đề rất cần thiết để kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Chủ trương này rất đúng, đúng với lòng dân”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nêu thêm: “Đặc biệt là vào thời điểm đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, vấn đề chạy chức, chạy quyền, vấn đề “ưu ái” cho người thân vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng để thực hiện công khai, minh bạch”.

Vị Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng bày tỏ: “Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, đối với vấn đề tổ chức cán bộ là phải đúng chức danh, đúng vị trí, đủ tiêu chuẩn. Nếu trong anh em, họ hàng của lãnh đạo mà có người đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn, có năng lực, có trách nhiệm với công việc, đủ phẩm chất đạo đức thì vẫn bố trí bổ nhiệm để họ phát huy được năng lực, khả năng của mình. Không phải vì là người thân, cứ có họ hàng với lãnh đạo mà lại bị hạn chế, không được bổ nhiệm, tuy nhiên nó cần đúng với quy định pháp luật và quy định mới”.

Trở lại quy định 205, có nêu rằng, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, Phó bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị... Điều này là đúng, cần tế nhị trong vấn đề sắp xếp cán bộ. Dù cán bộ có đủ năng lực, trình độ đến bao nhiêu thì cũng không nên để vợ, chồng cùng trong 1 Ban thường vụ hoặc anh, em ruột là lãnh đạo cùng cấp trong một địa phương, đơn vị”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh: “Chống chạy chức, chạy quyền, nhưng cũng cần lưu ý thêm với những trường hợp là người thân, người nhà lãnh đạo nếu có đủ năng lực, đủ trình độ thì cũng vẫn bổ nhiệm ở một cơ quan khác, ở Ban thường vụ khác... Tất nhiên là phải làm đúng quy trình, không được ưu ái cho người nhà lãnh đạo, không được bỏ qua các quy định, phải công khai, minh bạch trong tất cả các trường hợp được bổ nhiệm. Phải chọn được người tài, có tâm để gánh vác công việc chung”.

Nguyễn Hường- Hoàng Bích

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 155

Tin nổi bật