Tuy nhiên, trước đó, đơn vị này vẫn trúng nhiều gói thầu lớn trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ngày 29/3/2024, chi cục thuế khu vực Thạnh Thất – Quốc Oai ban hành quyết định số 2930/QĐ-CCTKV-KTr2 về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn đối với công ty CP xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp Hưng Thịnh (công ty Hưng Thịnh) có địa chỉ tại đội 10, xá Thạch Thán, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Quyết định số 2930/QĐ-CCTKV-KTr2 về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn đối với công ty CP xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp Hưng Thịnh.
Lý do là công ty trên đã không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo Quyết định số 1721/QĐ-CCTKV-KTr2 ngày 29/2/2024 của Chi cục Thuế khu vực Thạch Thất – Quốc Oai. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 613 triệu đồng.
Nợ thuế là hành vi người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và các khoản thu khác vào ngân sách Nhà nước khi đã hết thời hạn quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC, khi người nộp thuế nợ thuế quá 90 ngày thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Như vậy, khoảng thời gian từ tháng 12/2023 – 2/2024 là công ty Hưng Thịnh đã không hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Thế nhưng, từ tháng 12/2023 đến 3/2024 công ty Hưng Thịnh liên tiếp trúng 3 gói thầu do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai, TP Hà Nội làm chủ đầu tư khi đang nợ thuế.
Cụ thể ngày 26 và ngày 28/12/2023 công ty Hưng Thịnh trúng lần lượt 2 gói thầu: Gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình cải tạo, nạo vét lòng ngòi Thạch Thán, kè bờ kết hợp giao thông và cảnh quan đoạn từ kênh Đồng Mô đến thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ), xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai. Giá trúng thầu 37.506.643.000 VND, tiết kiệm hơn 39 triệu đồng cho ngân sách, tỉ lệ tiết kiệm 0,1%; Gói thầu số 07 thi công xây dựng, thiết bị và hệ thống PCCC thuộc dự án Trường Tiểu học xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai. Giá trúng thầu 45.638.813.000 VND, tỉ lệ tiết kiệm cũng là 0,1%.
Quyết định số 63/QĐ-QLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 07: Thi công xây dựng, thiết bị và hệ thống PCCC Dự án: Trường THCS Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Tiếp đó, ngày 1/3/2024, sau khi có quyết định cưỡng chế thuế của chi cục thuế khu vực, Công ty Hưng Thịnh tiếp tục trúng gói thầu 07: Thi công xây dựng, thiết bị và hệ thống PCCC thuộc dự án Trường THCS Đông Yên, huyện Quốc Oai theo quyết định số 63/QĐ-QLĐA do ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai ký quyết. Giá trúng thầu 42.991.129.000 VND, tiết kiệm hơn 333 triệu đồng so với giá gói thầu.
Cả 3 gói thầu kể trên công ty Hưng thịnh đều trúng với vai trò liên danh và các gói thầu cũng chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham gia đấu thầu. Mặc dù gói thầu giá trị lớn hơn 40 tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm cực mỏng, không đáng kể.
Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là trong quá trình chấm thầu, bên chấm thầu có phát hiện ra nhà thầu Hưng Thịnh đang nợ thuế, thậm chí bị cưỡng chế thuế không? Việc lựa chọn nhà thầu bị cưỡng chế thuế thì có đảm bảo đủ điều kiện về tài chính để thực hiện gói thầu không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Theo phản ánh, công ty Hưng Thịnh có trụ sở đăng ký tại đội 10, xá Thạch Thán, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Được thành lập năm 2012 và hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực xây lắp, hàng hóa. Từ năm 2012 đến nay, công ty trúng 35 gói thầu gói tổng trị giá hơn 747 tỷ đồng. Trong đó trúng chủ yếu với vai trò liên doanh chiếm khoảng 72,5%, còn lại là 27,5% trúng với vai trò độc lập.
Các công trình mà đơn vị này thi công chủ yếu trên địa bàn huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Tập trung chủ yếu vào ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai và trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai. Từ năm 2016 đến nay, công ty Hưng Thịnh trúng 23 gói thầu tại ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai với tổng trị giá các gói thầu hơn 522 tỷ đồng chiểm 96,8% tổng trị giá các gói thầu trúng của Hưng Thịnh.
Ngày 29/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Chỉ thị nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định.
Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; gói thầu quy mô lớn, phức tạp; các gói thầu đấu thầu không qua mạng; các gói thầu áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả kinh tế thấp…