Sáng 27/6, với 388/450 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (bằng 79,84% tổng số đại biểu Quốc hội), 32 đại biểu không tán thành, 30 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Đáng chú ý tại khoản 2 điều 9 của luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật giao Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ luật, quy định về phương án cấm nồng độ cồn cũng đã được các đại biểu biểu quyết riêng.
Theo đó, có 357/448 có mặt tán thành (bằng 73,46% tổng số đại biểu Quốc hội), không tán thành là 69/448 đại biểu, không biểu quyết là 22 đại biểu.
293/388 đại biểu nhất trí cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lấy ý kiến.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: VOV)
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước đó, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật GTĐB năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dự thảo luật này nếu không tiếp tục quy định như hiện hành sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra như về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân trong thời gian qua.