Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quảng Bình thu 82 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Giá trị lớn nhất của việc bán tín chỉ carbon không chỉ là tiền mà chính là việc thay đổi tư duy của người ở gần rừng.

Hiện Quảng Bình là tỉnh có tỉ lệ chi trả cao nhất ở khu vực miền Trung sau khi nhận được 72/82 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon từ Ngân hàng Thế giới. Trong đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là chủ rừng được chi trả nhiều nhất.

Hơn 20 tỷ đồng mà đơn vị này vừa nhận từ việc bán tín chỉ carbon là một con số lớn ngoài sức tưởng tượng của ban quản lý vườn.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Phạm Hồng Thái, giám đốc vườn, cho biết trong số hơn 123.000ha rừng mà ban này đang quản lý thì có một phần rất lớn diện tích được giao trực tiếp cho các thôn bản ở vùng đệm của vườn quản lý chăm sóc. Đây chính là lối đi mới mang lại hiệu quả trực tiếp cho những người dân bản địa ở vùng đệm này, khi việc bán tín chỉ carbon giúp họ có tiền mà không cần phải khai thác sản phẩm từ rừng.

Quảng Bình có độ che phủ rừng lên đến hơn 68%, là một lợi thế trong việc bán tín chỉ carbon.

Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho hay truyền thống của người dân nhiều địa phương giáp rừng thường lấy việc sống dựa vào rừng là chính. Vì thế, giá trị lớn nhất của việc bán tín chỉ carbon không chỉ là tiền mà chính là việc thay đổi tư duy của người ở gần rừng. Khi chăm sóc rừng cũng có thể thu được tiền và giá trị tiền cũng không kém việc khai thác sản vật từ rừng thì người dân sẽ không còn tác động tiêu cực đến rừng nữa.

Vì giá trị bền vững này, tỉnh có chủ trương mở rộng diện tích rừng khai thác trữ lượng carbon thêm với cả rừng trồng, đưa trữ lượng thu được toàn tỉnh có thể lên gấp đôi, mức tiền được trả cũng sẽ tăng cao.

Trước đó, từ tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ngân hàng thế giới (WB) đã ký kết, thỏa thuận chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e (quy đổi lượng khí phát thải nhà kính) của rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024, với số tiền 51,5 triệu USD thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).

Từ thỏa thuận này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua IBRD, sau đó điều phối gần 50 triệu USD đến các tỉnh. Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỉ đồng giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023 tỉnh này được nhận 82,4 tỉ đồng.

Quảng Bình là một trong 6 địa phương ở khu vực Bắc Trung Bộ vừa hiện thực hóa được việc "bán không khí", thu tiền tỉ. Đây cũng là những khoản tiền đầu tiên mà Việt Nam thu được từ việc bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới...

Số tiền này khá lớn so với tổng thu ngân sách của Quảng Bình. Đặc biệt, năm 2023 Quảng Bình chỉ thu ngân sách được 5.700 tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch.

Trong số hơn 80 tỉ đồng sẽ Quảng Bình dùng chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng, gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND các xã. 2,4 tỉ đồng còn lại sẽ được trích cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Được biết, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.

Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Để có số lượng tín chỉ carbon đạt chuẩn trên số diện tích rừng cụ thể, tất nhiên là phải giữ được rừng giàu, đa tầng. Như vậy, ngoài bảo vệ được cây gỗ, thì giữ rừng giúp phát triển được đa dạng sinh học, tạo hệ sinh thái bền vững.

Riêng với Quảng Bình, giữ được rừng không chỉ bán được "không khí" lấy gần 100 tỉ đồng mỗi năm, mà môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi... cũng được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo để khai thác du lịch ngày càng hiệu quả.

Và lợi ích kép, lớn hơn giá trị kinh tế đó là sự thay đổi hành vi ứng xử của con người với rừng, với môi trường tự nhiên.

M.M (T/h)

Tin nổi bật