Trong tập 2 của bộ phim tài liệu chống tham nhũng "Vĩnh viễn trên con đường" được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã hé lộ về quá trình tha hóa tư tưởng, lợi dụng quyền lực để "móc nối" với doanh nghiệp của "600 Đế" Vạn Khánh Lương.
Cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương chia sẻ trong phim "Vĩnh viễn trên con đường". Ảnh: The Paper
Vào năm 2011, cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương từng nói rằng: "Tôi làm việc đã hơn 20 năm vẫn chưa mua được nhà. Giờ tôi sống trong một khu tập thể của thành phố, ở khu Châu Giang Đế Cảnh với diện tích hơn 130m2 và tiền thuê hàng tháng là 600 NDT (hơn 2 triệu đồng)".
Tuy nhiên, cư dân mạng phát hiện rằng giá thuê nhà hàng tháng ở khu Châu Giang Đế Cảnh ít nhất cũng phải 4.000 NDT (hơn 14 triệu đồng) và từ đó biệt danh "600 Đế" được ra đời.
Các điều tra viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tiết lộ rằng Vạn Khánh Lương, người tuyên bố vẫn đang thuê nhà, coi nhà khách trong khu vực danh lam thắng cảnh Núi Bạch Vân ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) là địa bàn của riêng mình. Núi Bạch Vân miễn phí mở cửa cho công chúng nhưng đã trở thành nơi để Vạn ăn, uống và hưởng thụ sang trọng.
"Nếu không để ý sẽ cho rằng việc ăn uống chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, trong một bầu không khí kinh tế đầy cám dỗ và sự ăn mòn, bản thân sẽ mất phương hướng", cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu thú nhận.
Tháng 6/2014, Vạn Khánh Lương bị điều tra vì tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Kết quả điều tra sau đó cho thấy, đã lợi dụng chức vụ của mình để mưu lợi cho người khác, móc nối và nhận hối lộ rất lớn.
Cụ thể, khi muốn thảo luận về một dự án, chủ doanh nghiệp sẽ mời Vạn tới nhà hàng nằm trên đỉnh núi Bạch Vân ăn uống và nhờ Vạn giúp đỡ doanh nghiệp của mình lấy được dự án đó. Theo thông tin trong hồ sơ của CCDI, Vạn đã tới nhà hàng này ít nhất 70 lần, lần nào số tiền dành cho vị quan chức này ăn chơi cũng rất nhiều. Thậm chí, trước khi bị cách chức 2 ngày, cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu vẫn ghé thăm nhà hàng trên núi Bạch Vân.
CCDI cho biết, nhà hàng trên nằm ở đỉnh cao nhất của núi Bạch Vân. Chủ một doanh nghiệp đã dùng danh nghĩa phục vụ du khách nghỉ chân để thuê mảnh đất này xây nhà hàng. Tuy nhiên, giá thành tiêu dùng tại nhà hàng quá cao đã khiến du khách bình thường bị loại bỏ và trên thực tế, nó đã trở thành lãnh địa riêng cho số ít người. Vạn Khánh Lương có quan hệ thân thiết với ông chủ và là khách quen ở đây.
"Ở đó, nhiều lúc ăn uống xong chúng tôi sẽ tán gẫu, khi thì lại đánh bài. Không khí lúc đó rất náo nhiệt. Tôi khi tham gia các hoạt động ở đó đều không chú ý tới hình tượng và thân phận của mình, từ từ mất buông lỏng cảnh giác và dần bị tha hóa về tư tưởng”, Vạn Khánh Lương chia sẻ.
Vương Vĩ Liệt, Giám đốc Văn phòng quản lý núi Bạch Vân, cho hay: "Phòng ăn trong nhà hàng khi đó có một bộ bàn ghế đủ chỗ cho khoảng 20 người, đặt sau 1 bức bình phong lớn. Phía trên lắp một chiếc đèn chùm thủy tinh, ở gần đó đặt một bộ sofa làm nơi thưởng trà sau bữa ăn. Căn phòng ngoài việc được sử dụng làm nơi ăn uống, cũng có thể dùng làm phòng hát karaoke, khiêu vũ. Đứng trên ban công của nhà hàng này có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan thành phố Quảng Châu".
Hiện tại, nhà hàng này đã được cải tạo lại để phục vụ được cho mọi tầng lớp du khách. Sảnh của nhà hàng này cũng trở thành đài quan sát công cộng của khu thắng cảnh.
Một góc ban công ở nhà hàng trên đỉnh Bạch Vân, nơi Vạn Khánh Lương thường lui tới gặp gỡ các chủ doanh nghiệp. Ảnh: The Paper
Ở Quảng Châu, nơi hưởng lạc thường được Vạn Khánh Lương lui tới không chỉ có mỗi nhà hàng trên đỉnh núi Bạch Vân. Các chủ doanh nghiệp muốn móc nối với ông này cũng cần bố trí nhiều địa điểm hưởng lạc khác.
Ông Hác Vũ Khôn, một thành viên của CCDI, tiết lộ: "Một nữ nhân phục vụ phản ánh rằng mỗi lần vị quan chức này đến đây đều mang tới cảm giác khó chịu, bởi cứ hôm nào họ phải tiếp Vạn và các vị tai to mặt lớn khác thì đều tan làm rất muộn. Mọi người thử nghĩ xem, ngay tới cả những cô gái phục vụ còn than vãn, thì cũng đủ hiểu tính chất sa đọa của những cuộc vui đó như thế nào".
Đương nhiên, Vạn Khánh Lương không tốn 1 xu nào cho những bữa tiệc hưởng lạc đó. "Tham gia các hoạt động đó, tôi không bao giờ phải bỏ tiền. Người tham gia có không ít doanh nhân và họ sẽ xử lý việc đó. Tôi đã tự đánh đồng rằng ai cũng giống như vậy".
Không chỉ tự sa đọa bản thân, Vạn Khánh Lương còn lôi kéo thêm nhiều quan chức khác vào lối sống hưởng lạc. Một số quan chức cấp dưới khi nhận được lệnh sẽ phải có mặt ở nhà hàng và Vạn sẽ giao nhiệm vụ trực tiếp, nói họ phải làm gì cho những ông chủ này.
Những quan chức đó dần cũng bị biến chất và móc nối với các doanh nghiệp trong nhiều dự án, tạo ra những nhóm lợi ích cùng làm, cùng ăn, cùng hưởng lạc.
Sau khi Vạn Khánh Lương ngã ngựa, những quan chức tham gia "ăn uống" với ông ta cũng bị đưa ra xét xử.
Tháng 10/2014, Vạn Khánh Lương bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tới tháng 9/2016, Vạn bị kết án chung thân do nhận hối lộ hơn 111,2 triệu NDT (gần 400 tỷ đồng) trong thời gian còn đương chức.
Hoa Vũ (Theo The Paper)