(ĐSPL) - Theo tin tức mới nhất, Châu Âu đã thu được lợi nhuận khổng lồ qua việc bán vũ khí và cung cấp công nghệ, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí cho Trung Quốc.
Hãng tin Pháp AFP đã tiến hành điều tra và đưa ra nhận định như trên.
|
Khi công du nước Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo sẽ tăng số lượng trực thăng Airbus EC175 được chế tạo tại Trung Quốc. |
Không quân Trung Quốc hiện đang sử dụng trực thăng theo ý tưởng và thiết kế của Pháp. Khu trục hạm và tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động ngang dọc trên biển được lắp đặt động cơ của Đức và Pháp. Các động cơ này được giao cho Trung Quốc trong khuôn khổ các hợp đồng “công nghệ lưỡng dụng”.
Cuối tháng Ba vừa qua, khi công du nước Pháp, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thông báo sẽ tăng số lượng trực thăng Airbus EC175 được chế tạo tại Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, dự án này có thể dẫn đến việc chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc.
Theo ông Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kawan Asian Defense Review, “xuất khẩu của Châu Âu rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Không có công nghệ Châu Âu, hải quân Trung Quốc không thể động đậy được”.
Theo báo cáo thường niên lần thứ 15 về thương mại của Liên minh Châu Âu (EU), từ năm 2002 đến năm 2012, các nhà sản xuất vũ khí Châu Âu đã nhận được giấy phép xuất khẩu với tổng giá trị lên đến 3 tỷ euro.
|
Máy bay trực thăng Avicopter AC 313 của Châu Âu. |
Trong năm 2012, các nước thành viên EU đã cho phép xuất khẩu 173 triệu euro vũ khí, trong đó có cả “đại bác nòng trơn” của Anh và “tàu chiến” của Hà Lan. Hơn 80\% các giấy phép xuất khẩu này là của Pháp. Một báo cáo của Quốc hội Pháp xác nhận trong năm 2012, vũ khí mà Pháp bán cho Trung Quốc trị giá 104 triệu euro.
Năm 2013, Trung Quốc đã nhập khẩu chủ yếu vũ khí từ Nga. Khoảng 18\% tổng số lượng vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu đến từ Pháp, Đức và Anh.
Hiện nay, Trung Quốc có ngân sách quân sự đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Tháng trước, Bắc Kinh thông báo chi phí quân sự trong năm 2014 tăng 12\%.
|
Không quân Trung Quốc hiện đang sử dụng trực thăng theo ý tưởng và thiết kế của Pháp. Trong ảnh máy bay Z-8KA của Trung Quốc. |
Các động cơ cũng như các phần mềm được thiết kế cho máy bay tiêm kích, đã được xuất khẩu dưới dạng “công nghệ lưỡng dụng” và do vậy, tránh được lệnh cấm vận.
Bà Bernadette Andereosso - phụ trách nghiên cứu Châu Âu ở Đại học Limerick, Ireland - nhận định, chính sách “lưỡng dụng” của Châu Âu là “rất tự do và rất rộng rãi”.
Roger Cliff, chuyên gia quân sự thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, các trực thăng mới nhất của quân đội Trung Quốc chỉ là một phiên bản được hiện đại hóa từ các trực thăng của Airbus.
Đối với ông Emil Kirchner - đại học Essex (Anh), “việc thiếu vắng một chiến lược chung của EU có thể sẽ gây ra những thiệt hại cho lợi ích của chính Châu Âu”.
Theo ông Andrew Smith, thuộc tổ chức phi chính phủ, “Chiến dịch chống bán vũ khí” và các giá trị của Châu Âu “thường xuyên bị chà đạp chỉ vì những lợi nhuận trước mắt của các doanh nghiệp sản xuất vũ khí”.
Đương nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về cuộc điều tra của hãng tin Pháp AFP.